Hiện Hoài Ân có khoảng hơn 200 ha bưởi da xanh, với khoảng 500 hộ tham gia. Ảnh: TTXVN
Bưởi da xanh là một trong 3 loại cây trồng có thế mạnh của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định và được lựa chọn là cây trồng chủ lực có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn của huyện Hoài Ân theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tiến hành quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả có thế mạnh tại 10 xã; trong đó, diện tích quy hoạch trồng bưởi là 771 ha.
Đến nay, huyện có 64 hộ tham gia trồng bưởi da xanh theo đề án với tổng diện tích trên 40 ha. Các hộ tham gia đề án đều được huyện Hoài Ân hỗ trợ 100% giá trị cây giống, 50% chi phí khoan giếng nước tưới, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn chất lượng VietGap.
Theo thống kê, toàn huyện Hoài Ân hiện có khoảng hơn 200 ha bưởi da xanh, với khoảng 500 hộ tham gia. Diện tích cây bưởi da xanh ở đây tăng hàng năm và được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân Hoài Ân vì năng suất, giá cao, ổn định.
Ông Huỳnh Công Chính, tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: “Hơn 10 năm trồng bưởi da xanh, tôi thấy cây bưởi da xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, trồng 4 - 5 năm thì có trái để bán ra thị trường. Hơn 100 gốc bưởi của gia đình tôi, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác thì bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.
Vợ chồng ông Võ Đông Sơ, tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, trồng khoảng 50 cây bưởi da xanh, mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng.
“Ngoài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hoài Ân, muốn cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao thì mình phải chịu khó chăm sóc tưới nước, bón phân đầy đủ. Khi bưởi ra quả thì mình dùng bao bọc từng quả lại để tránh sâu rầy, côn trùng và ánh sáng, không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, do đó bưởi Hoài Ân ngon ngọt và rất sạch” - ông Võ Đông Sơ chia sẻ.
Quả bưởi được bọc kín trong những chiếc túi chuyên dụng. Ảnh: TTXVN
Tại các vườn bưởi ở Hoài Ân, quả bưởi đều được người dân bọc kín trong những chiếc túi chuyên dụng. Những chiếc túi này được dùng nhằm đảm bảo sự tối ưu cho quả bưởi, giúp tránh ruồi bọ đục quả và hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu.
Hiện bưởi xanh Hoài Ân bán tại vườn có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; thời điểm Tết Âm lịch có giá cao từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nhờ giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại khá cao, vài năm trở lại đây nhiều hộ dân có thu nhập khá cao và ổn định. Huyện Hoài Ân đang khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi, xem đây là hướng thoát nghèo, làm giàu.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, địa phương tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”. Trong đó tập trung hình thành các nhóm liên kết để các hộ trồng bưởi hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ về tiêu thụ. Ngoài ra, huyện Hoài Ân tập trung, lồng ghép các chương trình khác, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, của trung ương, tập trung đầu tư cho cây bưởi da xanh.
“Hiện các cơ quan chuyên môn của huyện và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đang thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhằm nâng tầm sản phẩm, tạo đầu ra bền vững cho nông sản này” - ông Khúc cho biết.
Song song việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân tập trung mở rộng thị trường, bước đầu hướng ra các tỉnh trong khu vực miền Trung. Tiếp đó, sẽ hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap để bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu./.
Nguyên Linh/TTXVN