Vào thời điểm này, nông dân xã Nam Thịnh đang gấp rút thu hoạch ngao giống để xuất bán và chuẩn bị bãi cho vụ nuôi thả tiếp theo.
Ông Trần Văn Xương, thôn Đồng Lạc cho biết: Năng suất ngao giống năm nay đạt từ 15 - 30 tấn/ha tùy từng loại kích cỡ ngao và đặc điểm dinh dưỡng, chất đất bãi triều. Thời điểm hiện tại, ngao giống xuất bán tại bãi, loại 1.000 con/kg giá 23.000 đồng/kg và loại 500 con/kg có giá 16.000 đồng/kg tăng cao hơn so với năm trước từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu, thương lái thu mua và thanh toán tiền ngay tới đó nên bà con ai cũng phấn khởi.
Năng suất ngao giống xã Nam Thịnh năm 2018 đạt từ 18 – 30 tấn/ha.
Không riêng gia đình ông Xương được mùa, hơn 200 hộ của xã Nam Thịnh nuôi thả ngao giống cũng vui mừng vì ngao giống được mùa, được giá.
Ông Phạm Ngọc Thạch, thôn Hợp Châu chia sẻ: Vụ năm nay, gia đình tôi nuôi thả hơn 2ha ngao giống. Mỗi hecta chi phí đầu tư 300 triệu đồng tiền giống và khoảng 200 triệu đồng tiền thuê người canh coi bảo vệ, chăm sóc ngao. Với giá bán như hiện nay, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/ha. Gia đình tôi đã thu hoạch xong, trừ mọi chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng.
Nam Thịnh có 1.152ha diện tích bãi triều nuôi thả ngao thịt và ngao giống. Năm nay, bà con mở rộng diện tích giống giống lên 670ha, sản lượng thu hoạch trong năm ước đạt 5.000 tấn; hiện bà con đã thu hoạch được khoảng 3.800 tấn ngao giống. Theo nhiều nông dân nuôi thả ngao cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, thời gian nắng nóng ít, lượng mưa cân đối nên độ mặn nước biển ổn định.
Thêm vào đó, bà con thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về mật độ thả là nguyên nhân ngao sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế tỷ lệ ngao chết cục bộ do nắng nóng và biến đổi môi trường. Giá bán ngao giống tăng cao hơn so với năm trước vì lượng cung không đủ so với cầu. 40% sản lượng ngao giống của địa phương cung cấp cho các hộ nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh, còn lại bán ra thị trường tỉnh ngoài.
Những năm gần đây, người dân xã Nam Thịnh có xu hướng chuyển đổi từ nuôi thả ngao thương phẩm sang nuôi thả ngao giống.
Ông Phạm Văn Chế, cán bộ Lâm sinh thủy sản xã Nam Thịnh cho biết: Nuôi thả ngao giống có nhiều thuận lợi như: thời vụ ngắn (8 - 12 tháng/vụ), ít chịu tác động của thời tiết, sản phẩm dễ tiêu thụ, giá trị lợi nhuận cao gấp đôi so với nuôi ngao thương phẩm. Đặc biệt, trong điều kiện chất đất kém, biển bồi và người dân cải tạo để nuôi ngao thương phẩm nên bãi triều ngày càng cao, nhiều phù sa lắng đọng khiến cho ngao thương phẩm chậm phát triển, dễ nảy sinh dịch bệnh, trong khi ngao giống lại thích nghi và phát triển tốt.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng bãi triều và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian tới, xã Nam Thịnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức đánh giá chất đất bãi triều và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thả, phòng chống dịch bệnh cho ngao. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ thông tin để bà con tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu, góp phần giúp nông dân phát triển nghề nuôi ngao bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã