Tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, kể từ khi các hộ nông dân chuyển hướng canh tác theo quy trình VietGap, cây nhãn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho địa phương nhờ nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Ông Lê Thành Lộc (ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, trước đây, do sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không chú ý đến quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng của cây nhãn tại Châu Thành, Đồng Tháp không cao, thậm chí còn không ít lần bị dịch bệnh gây thiệt hại lớn.
Sau đó, với sự hướng dẫn của Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, các nhà vườn đều chuyển hướng sang sản xuất sạch. Cũng từ đó, đầu ra của cây nhãn được đảm bảo bởi các DN xuất khẩu trái cây, đưa trái nhãn đi tới rất nhiều thị trường trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Đến Châu Thành hôm nay, những ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi với vườn cây cảnh bạc tỷ không còn là điều xa lạ. Riêng gia đình ông Lộc, với 5 ha nhãn, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 50 tấn, với mức giá bán tại vườn ở mức 25.000 đồng/ha, gia đình ông thu khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế và ổn định đầu ra, mới đây nhiều nông dân ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã cùng nhau góp vốn thành lập HTX Công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho hay, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại trái cây trên thị trường còn khá phổ biến, sự giám sát kiểm tra chưa được sâu sát. Điều này tạo nên tâm lý lo lắng, bức xúc trong người tiêu dùng. Đồng thời, việc tiêu thụ các loại trái cây cũng phải đối mặt với sự bấp bênh, tình trạng “được mùa, rớt giá” diễn ra triền miên.
Theo đó, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành định hướng sản xuất, kinh doanh theo hướng cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao, áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến (Global GAP), nhằm đáp ứng nhu cầu không có dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho các thành viên.
HTX đã định hướng cho các xã viên canh tác các loại cây ăn trái có năng suất tốt, giá trị kinh tế cao, về cả thị trường trong nước và quốc tế. Với 100 ha ban đầu, hiện có ba loại cây ăn trái đã được canh tác là mãng cầu hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng (loại thanh long chỉ xuất khẩu) và giống cam cara. Giá thu mua tại vườn của các loại trái cây này hiện đều đang ở mức khá cao. Đơn cử mãng cầu hoàng hậu có giá lên tới 180.000 đồng/kg, cam cara có giá 60.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 40.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Thảo (chuyên sản xuất các loại giống cây ăn quả tại Chợ Lách, Bến Tre) cho biết, hiện gia đình ông đang có gần 1 ha trồng mãng cầu hoàng hậu và 1 ha cam cara theo hướng VietGap. Trong vụ mùa vừa qua, ông đã thu hoạch được 30 tấn mãng cầu và gần 30 tấn cam. Sau khi trừ các chi phí, ông Thảo thu về hàng tỷ đồng trên mỗi ha.
Hiện ông Thảo cũng đang hợp tác với HTX nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành để cung cấp cây giống. Ông cho biết, hiện nhiều nước như Singapore, Brunay… có nhu cầu rất lớn đối với nhiều loại trái cây Việt Nam, song sản lượng trong nước không đủ đáp ứng. Mới đây, Singapore đã cử chuyên gia sang Việt Nam làm việc với HTX Tân Thành để hỗ trợ kỹ thuật nhằm hướng tới thu mua các loại trái cây tại đây để xuất khẩu về Singapore.
Trong khi đó, gia đình ông Huỳnh Văn Quyền (Châu Thành, Long An) có 1,5 ha trồng thanh long theo chuẩn VietGAP. Với sản lượng trên 4 tấn/mùa, mỗi năm cho thu hoạch 3 đợt, những năm qua, gia đình ông Quyền có thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng mỗi năm do thanh long ruột đỏ hiện có giá đến đến 40.000 đồng/kg. Hiện vườn thanh long của gia đình ông Quyền đang được Công ty Vina T&T bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.
Trồng trái cây xuất khẩu đang là hướng đi khả quan nhằm phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của nhiều địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt thêm 2 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trái cây của thị xã Long Khánh. Trong đó, dự án cánh đồng lớn chôm chôm xã Bình Lộc do HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc làm chủ đầu tư có diện tích ban đầu trên 100ha. Cùng với đó là dự án do HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Xuân Lập làm chủ đầu tư với diện tích 200 ha, trồng sầu riêng, chôm chôm tại 2 xã Xuân Lập và Bàu Sen (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Tương tự, tỉnh Tiền Giang cũng đã và đang khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn – mặn, thiếu nước tưới tiêu sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao như: Thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, các cây ăn quả khác… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng thêm gần 1.300 ha thanh long, gần 1.200 ha dứa, 340 ha hồng xiêm, gần 400 ha bưởi da xanh…
Hiện Tiền Giang đã hình thành được những vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản mang lại giá trị hàng hóa lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), bưởi da xanh và các cây ăn quả có múi ở các huyện vùng ngập lũ phía Tây…
Theo Báo Hải Quan