Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội Hà Tĩnh đã sớm thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn
Đường dẫn vào nhà chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 6, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) quanh co, nằm ở cuối ngõ. Đón chúng tôi là hai con người khắc khổ, lam lũ, thế nhưng khi nhận ra màu áo quen thuộc của cán bộ Ngân hàng CSXH thì rạng ngời niềm vui. Chị Thanh phấn khởi: “Con bò là vốn của ngân hàng đã chuẩn bị sinh con rồi. Mong rằng “mẹ tròn con vuông” để rồi tôi còn bán trả nợ dần cho ngân hàng”.
Chị Thanh là hộ nghèo nhiều năm nay, mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng rủi ro cứ dồn dập nên khó khăn chồng chất. Đàn lợn hết chết vì dịch tai xanh lại đến dịch tả lợn châu Phi, cả nhà chỉ trông mong vào vài lứa bò. Dịch Covid-19, kinh tế gia đình lại càng eo hẹp.
Được gia hạn thêm 2 năm, chị Nguyễn Thị Thanh như giảm được gánh nặng về món nợ trước mắt
“Vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên để nuôi bò và lợn, nhưng chăn nuôi lợn không gặp may nên mới chỉ trả được 10 triệu đồng tiền gốc. Số còn lại đáng ra phải trả vào đầu tháng 5 này, nhưng nhờ sự quan tâm của ngân hàng nên vốn vay của tôi được gia hạn thêm 2 năm nữa. Chúng tôi như trút được phần nào gánh nặng, có thêm thời gian “lấy lại sức”, chị Thanh cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Hạnh (cùng thôn) là chủ xưởng mộc nhỏ, dù không phải hộ nghèo, cận nghèo nhưng những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh của ông bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Hạnh được ngân hàng đầu tư 50 triệu đồng vốn cho vay giải quyết việc làm để mua máy móc cho xưởng gỗ
Ông Hạnh cho biết: “Tôi đã gắn bó với tín dụng chính sách từ những đồng vốn nhỏ nhất khi mới bắt đầu xây dựng cơ sở chế biến gỗ. Dần dần, nhờ phát huy hiệu quả vốn, tôi được ngân hàng tin tưởng mở rộng hạn mức tối đa lên 50 triệu đồng thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm. Có thêm vốn, tôi mua thêm máy móc chuyên dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn chính sách tạo sự vững tâm cần thiết nhất cho đối tượng yếu thế. Tôi vẫn muốn được tiếp tục tiếp cận các gói vay để khôi phục sản xuất sau dịch”.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên nằm trong “top” phòng giao dịch có dư nợ cho vay lớn nhất trong hệ thống toàn tỉnh, đạt gần 490 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, doanh số cho vay mới các chương trình đạt hơn 30 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp người yếu thế “bắt nhịp” với nền kinh tế, không bị bỏ lại phía sau
Ông Nguyễn Thành Đô - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngân hàng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ vay. Theo đó, thực hiện chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho bà con, đồng thời cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất... Phòng Giao dịch đã gia hạn nợ cho 1.342 hộ vay với số dư nợ được gia hạn là 20,5 tỷ đồng (tính đến 30/4)”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Ngân hang Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Việt Nam, chi nhánh đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ những đối tượng yếu thế, bên cạnh gia hạn nợ cho khách hàng, đến đầu tháng 4, chi nhánh đã thực hiện khoanh nợ cho 13 món vay (với số tiền 383 triệu đồng) và xóa nợ 169 món vay với số tiền 1.682 triệu đồng.
Tại thời điểm cách ly để chống dịch, tất cả các món vay đến hạn (tháng 4/2020) của khách hàng được gia hạn tự động thêm 1 tháng (với tổng số 194 món vay, số tiền 5.422 triệu đồng).
Theo Tuệ Anh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã