Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng phát triển nông nghiệp toàn cầu. Trên thế giới hiện có 179 quốc gia áp dụng sản xuất NNHC với diện tích hơn 76 triệu ha, doanh thu đạt hơn 81 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 87 quốc gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ trong cả nước mới đạt hơn 76.000ha, tập trung tại Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Lâm Đồng… Hiện đã có 33/63 tỉnh, thành phố triển khai sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ.
Với một quốc gia có nền kinh tế mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Việt Nam thì những con số khiêm tốn trong lĩnh vực sản xuất NNHC khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Mặc dù ít ỏi nhưng một thực trạng khác đang diễn biến đáng lo ngại là những người làm NNHC hiện vẫn còn lúng túng. Và một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng gặp khó khi tiếp cận, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là “thiếu chuẩn”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực của nhiều Bộ, ngành, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC. Điều này khiến lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo, dẫn tới thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển.
“NNHC hiện vẫn còn thiếu đi những quy chuẩn, hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ. Do vậy người làm NNHC chủ yếu tự mày mò, hiệu quả thì “năm ăn năm thua”. Để NNHC phát triển thì cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ hơn, cụ thể và riêng biệt cho từng lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho NNHC không chỉ giúp những người sản xuất hiểu rõ hơn về quy trình cho ra một sản phẩm chất lượng mà còn giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm NNHC được thuận lợi hơn.
“Vấn đề tiêu thụ sản phẩm phải đặt lên hàng đầu trước khi chúng ta làm một dự án NNHC. Trước khi làm cần phải phải nghĩ ngay là sản phẩm bán ở đâu, giá nào, bán như thế nào. Đó là một chuỗi giá trị khép kín, trong đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng phải được đảm bảo.
Thời gian qua, Hiệp hội cũng tư vấn hướng dẫn cho các vùng, các trang trại, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã xác định thị trường trước khi làm kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC, tạo cho họ một kiến thức để họ nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn mà năm 2017 Bộ KH&CN đã ban hành”, ông Hà Phúc Mịch nói.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, chỉ có tuân thủ theo quy trình và hệ thống tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt thì các sản phẩm do nông dân, doanh nghiệp làm ra mới được cấp chứng nhận hữu cơ. Chỉ khi có chứng nhận đạt sản phẩm hữu cơ thì sản phẩm đó mới ra thị trường và đến tay người dùng.
“Khi sản phẩm đạt chuẩn và có chứng nhận được người tiêu dùng thừa nhận, chúng ta thậm chí sẽ không đủ hàng để bán cho người tiêu dùng và đối tác ở cả thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có những chính sách thúc đẩy phát triển NNHC như một số chương trình hỗ trợ tín dụng, đất đai, chứng nhận lần đầu. Tuy nhiên, so với thực tế mà nền NNHC cần thì những sự hỗ trợ, điều kiện trên là chưa đủ. Bên cạnh đó, theo tôi sắp tới cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để cho người nông dân, các trang trại cũng như hội viên của Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nắm vững, hiểu sâu sâu hơn từng lĩnh vực trong NNHC
Ví dụ về việc thanh tra giám sát, cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, cần có văn bản hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phải làm sao để để đạt được hiệu quả thanh tra và kết quả là đạt một giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn”, Chủ tịch Hiệp hội NNHC nói thêm.
Đề cập tới khó khăn “thiếu chuẩn” cho các sản phẩm NNHC, ông Hà Phúc Mịch cho rằng hệ thốngTiêu chuẩn quốc gia hiện mới có về chăn nuôi, trồng trọt và thiếu chuẩn về thủy sản. Và kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi thì những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi ong, trồng một số cây đặc sản khác còn thiếu khá nhiều.
“Ở một số nước trên thế giới thậm chí họ đã hoàn thành việc ban hành các tiêu chuẩn hữu cơ cho từng ngành, từng sản phẩm cụ thể. Theo tôi, việc thiếu đi tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn.
Thực trạng này nếu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi bởi có nhiều sản phẩm ‘tự phong’ là hữu cơ nhưng thực chất không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nếu không có chuẩn, người tiêu dùng cũng không biết dựa vào đâu để lựa chọn sản phẩm”, ông Mịch nhấn mạnh.
Bộ KH&CN đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, ban hành chuẩn về NNHC Theo ông Hà Phúc Mịch, Bộ KH&CN theo luật định là cơ quan tổ chức quản lý công bố các tiêu chuẩn cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng tiêu chuẩn ở các Bộ chuyên ngành. Bộ KH&CN cũng chính là cơ quan giữ vai trò quy hoạch, hoạch định ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn gắn chặt với thực tiễn sản xuất, luôn luôn đi song hành với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của Việt Nam . Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam kỳ vọng, trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục làm tốt vai trò của mình trong việc quản lý, công bố, góp ý kiến xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các Bộ chuyên ngành. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh việc tiếp thu, sáng tạo các tiêu chuẩn , quy chuẩn trên thế giới đối với từng lĩnh vực, vận dụng vào thực tiễn sản xuất ở Việt Nam, đem lại hiệu quả cao đóng góp vào nền kinh tế, xã hội đất nước. |
Theo Phong Lâm/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã