Triển khai OCOP theo mô hình nông nghiệp 4.0
Chương trình OCOP được Thủ tướng phê duyệt, thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày sản phẩm của chương trình OCOD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay đã có 60/63 tỉnh, TP triển khai xây dựng đề cương Đề án Chương trình OCOP, trong đó có 30 tỉnh lập xong Đề án. Đặc biệt, có 5 tỉnh đã phê duyệt Đề án và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP là Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam, riêng Quảng Ninh phê duyệt giai đoạn 2 (2017-2020).
Theo thống kê, báo cáo của 63 tỉnh thành, cả nước có 6.010 DN, HTX, hộ SX (có đăng ký kinh doanh), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm (gồm: nhóm Thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng bản Văn hóa gắn liền với du lịch). “Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Đây có thể xem là một lợi thế, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ, thì việc triển khai các nội dung Đề án Chương trình OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng NTM giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH đất nước, với cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển theo định hướng 3 nhóm sản phẩm chủ lực, trong đó bằng Chương trình quốc gia OCOP giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp - nông thôn quy mô cấp xã, cấp huyện trong tổ chức sản xuất, thực hiện mục tiêu đưa ngành nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của đất nước.
Bộ trưởng Cường cho rằng: “Xu hướng trên thế giới hiện nay cho thấy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất là tất yếu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ứng dụng triệt để vận hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình Nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh - và Công chức thông minh (Smart Farm - Smart Farmers - Smart Officer). Đó là những vấn đề cần lưu ý, các tỉnh cần sớm bắt nhịp và triển khai”.
Chính quyền khơi dậy sức sáng tạo của người dân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, đây không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Ngoài ra, việc Chính phủ chỉ đạo phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã kiểu mới sẽ hỗ trợ rất tốt cho OCOP để triển khai sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường. Người dân rất sáng tạo và chính quyền phải khơi dậy sức sáng tạo trên nền tảng của kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sức sáng tạo của người dân trong triển khai Chương trình OCOD.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,93%, xuất khẩu nông sản 9,4 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đang hướng tới yêu cầu giá trị xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD của Thủ tướng Chính phủ.
OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu. Chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp và đang sửa Nghị định số 55 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo, Bộ NN&PTNT biểu dương các doanh nghiệp tham gia tích cực vào phát triển OCOP.
Chương trình OCOP đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình Làng văn hóa du lịch.Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã