Những ngày này, dọc tuyến đường chính dẫn vào thôn Quảng Đại 2 rộ một màu xanh của rau cải đường, rau ngót, mồng tơi… Ông Lê Phước Ba - Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quảng Đại 2 cho hay, trước đây vườn của người dân trong thôn để trống diện tích khá nhiều, chỉ trồng một số ít hoa màu và những cây lâu năm như mít, sầu đông... nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, các hộ có vườn liền kề đã thành lập câu lạc bộ trồng rau sạch tự quản. Hộ ít nhất có 1 sào, nhiều nhất 2 - 3 sào. Mô hình duy trì được hơn 2 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Năm (60 tuổi) - một trong những hộ có diện tích trồng rau sạch nhiều nhất nhì nơi đây chia sẻ, những năm trước gia đình trồng cây bắp. Vốn, đầu tư vào đó cao nhưng nguồn thu không đáng là bao. Ông Năm nhẩm tính, mỗi năm trồng 2 vụ bắp thu gần 5 triệu đồng chưa trừ chi phí. Còn khi chuyển qua trồng rau sạch thì lợi nhuận cao gấp 10 lần.
Theo ông Năm, trồng rau sạch tốn ít công chăm sóc. Người trồng hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chỉ trị sâu bệnh bằng dung dịch từ tỏi giã nhuyễn trộn với nước để phun; tận dụng phân chuồng để bón nên sản phẩm làm ra đạt độ an toàn cao. Ngoài ra, người dân còn thường xuyên xem báo đài để tích lũy thêm kinh nghiệm phục vụ cho lĩnh vực trồng rau sạch.
“Mồng tơi 3 ngày cắt 1 lứa; cải đường, rau dền thì 28 ngày/lứa; mỗi lứa khoảng 80kg rau. Với giá bán hiện tại dao động 40 - 45 nghìn đồng/chục, gia đình tôi thu vào khoảng 3,2 - 3,6 triệu đồng/lứa rau và hơn 40 triệu đồng/năm”- ông Năm phấn khởi.
Người dân ở đây thường chỉ trồng rau sạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng Giêng năm sau (tức 9 tháng tính theo Dương lịch), sau khi đã thu hoạch xong một lứa đậu phụng. Họ cho biết, rau có giá nhất vào mùa mưa và những ngày giáp tết. Những lúc cao điểm này, nguồn cầu nhiều, giá rau đội lên tới 90 - 100 nghìn đồng/chục, hiệu quả kinh tế cao gấp bội lần so với ngày thường.
Ông Nguyễn Thanh Tẩn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quảng Đại 2 cho biết, hiện thôn có 10 hộ tham gia trồng rau sạch với diện tích quy hoạch 5.000m2. Các thương lái từ nơi khác thường đánh xe tới thu mua với số lượng lớn. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh rau sạch trong thôn cũng gom hàng chở đi cung cấp cho chợ đầu mối ngoài tỉnh nên người trồng khá yên tâm về đầu ra. Mô hình giúp cải thiện kinh tế nông hộ đáng kể, với mức bình quân thu nhập khoảng 25 triệu đồng/vườn/năm.
Về lâu dài, ông Lê Phước Ba - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn kiến nghị: “Thời gian tới, mong cấp trên quan tâm, hỗ trợ vốn, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ để các hộ này có điều kiện mở rộng diện tích chuyên canh rau sạch. Hướng tới xây dựng thương hiệu, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngày một nhiều hơn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã