Bà con nông dân xã Bản Liền vào mùa thu hoạch vụ chè chính vụ năm 2020
Đội 4 là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Bản Liền gần 7km trong địa phận rừng nguyên sinh, đi lại khó khăn, ngày nắng đi xe máy tăng bo đến trung tâm thôn còn ngày trời mưa không đến được thôn do suối lũ… Đưa chúng tôi đi thăm, Trưởng thôn Lâm A An cho biết: "Những năm 70- 80 của thế kỷ trước một số hộ ở trung tâm xã lên đây khai hoang và phát triển thành thôn. Đồng bào nơi đây sống bằng nghề nông trồng lúa, chăn nuôi và chủ yếu trồng chè Shan tuyết, nhà ít cũng có vài vạt đồi, nhà nhiều có hơn chục ha. Các hộ trồng chè trong thôn hầu hết đều là hội viên Hợp tác xã chè Bản Liền, cây chè là cây chính đem lại nguồn thu giúp người dân thoát nghèo, có tiền của đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới".
Gia đình anh Vàng A Bình là hộ tiêu biểu của thôn và xã trong phát triển kinh tế khi phát triển mô hình du lịch homestay gắn với trồng chè hữu cơ… Hiện, nhà có trên 12 ha cây chè Shan, trong đó có 5 ha chè cổ thụ từ 50- 60 năm tuổi. Đây chính là nguồn thu chính của gia đình và cũng là một trong những điểm du lịch miệt vườn, anh Bình chia sẻ: "Trồng lúa và chăn nuôi chỉ hết đói, còn vẫn nghèo. Từ đời ông cụ để lại cho cây chè cổ, từ ngày có hợp tác xã chè Bản Liền, tham gia là hội viên nên việc tiêu thụ ổn định nên gia đình mở rộng diện tích. Ngoài bán chè tươi cho hợp tác xã với giá ổn định hiện 16- 17 ngàn đồng/kg chè tươi, gia đình chế biến chè xao khô bán theo các giá từ 120 ngàn đồng/kg- đến 300 ngàn đồng/kg, tùy theo loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm, chè búp thường… 5 năm nay, trung bình tổng thu nhập gia đình trên 100 triệu đồng/năm từ trồng và thu hoạch chè Shan tuyết".
Được biết trước đây, người Tày ở bản này chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió, chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống. Nhưng bây giờ thì khác, từ ngày trồng chè Shan tuyết hữu cơ, tham gia hội viên Hợp tác xã chè Bản Liền được thành lập và hoạt động hiệu quả từ năm 2004 đến nay, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè.
Đưa chúng tôi đi thăm quan xưởng sản xuất của Hợp tác xã Bản Liền, ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: "Thời gian qua, xã Bản Liền xác định cây chè Shan tuyết hữu cơ là cây chủ lực giàm nghèo bền vững nên đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển, phối hợp với Hợp tác xã Chè Bản Liền xây dựng và phát triển vùng chè Shan tuyết hữu cơ chất lượng cao, chuyển giao khoa học công nghệ, cải tạo nâng cao chất lượng chè, tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có 310 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền ".
Hiện, sản phẩm chè Bản Liền đã đạt Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ... Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường Mỹ và Châu Âu. Đến nay, toàn xã Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó, hơn 400ha được công nhận chè hữu cơ.
Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền cho biết: "Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm: hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ… đặc biệt, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm".
Vùng chè Shan tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào và đặc biệt hiện nay, với truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã mở ra cơ hội mới cho Bản Liền được tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà lựa chọn là vùng trọng điểm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái, miệt vườn, trải nghiệm vùng chè Shan tuyết cổ thụ Bản Liền vươn tầm thế giới./.