Báo cáo tại Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 tổ chức tại Kiên Giang hôm nay, ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Mặc dù mới thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng đến nay 63 tỉnh thành trong cả nước đã ban hành Đề án OCOP cấp tỉnh, đặc biệt là có 60 tỉnh thành đã đánh giá phân hạng sản phẩm.
Chương trình OCOP đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cũng theo ông Tiến, nếu như trước đây vấn đề định hướng sinh kế bền vững gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với nhóm yếu thế, vùng khó khăn, thì khi chương trình OCOP triển khai đã góp phần tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là phát huy vai trò của người phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%.
Một kết quả ấn tượng nữa của chương trình OCOP đó là chất lượng sản phẩm đã được chuẩn hoá từ quy trình đến mẫu mã sản phẩm. Đến nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã coi quyết định sản phẩm OCOP như một tờ "giấy thông hành" khi tham gia chuỗi tiêu thụ trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Đã có 60,7% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40% - ông Tiến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng được triển khai ở nhiều địa phương.
Vì vậy, có thể nói chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống góp phần gia tăng giá trị sản phẩm – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trần Thanh Nam nhận xét
Theo đề cương sơ bộ đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP. Đặc biệt là tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án cũng đã chỉ ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là, phải Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu và xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát cho sản phẩm OCOP, nhất là phải nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai và đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.
PGS.TS. Trần Văn Điền - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thì cho rằng: Để chương trình OCOP đi vào bền vững, trong thời gian tới mọi sản phẩm OCOP cần có quy trình, công nghệ. sản xuất để chuẩn hoá sản phẩm; có hệ thống quản lý giám sát một cách minh bạch để có sự đồng đều về chất lượng sản phẩm OCOP. Trong sản phẩm OCOP cần đề cập đến vấn đề giới, quyền bảo vệ trẻ em, vấn đề bảo vệ môi trường.
Cùng quan điểm việc phát triển khung của OCOP giai đoạn 2021- 2025, bà Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại Học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải kiên định mục tiêu của chương trình là các HTX vừa và nhỏ. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách ưu tiên nhất là các chủ thể về phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất...
Đặc biệt là chu trình triển khai OCOP cần linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; từng nhóm sản phẩm và tăng cường hợp tác quốc tế.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP thời gian tới cần phải phát triểt theo hướng kinh tế tuần hoàn nhưng phải đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chỉ ra một số nội dung cần phải đưa vào trong đề án Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 đó là: Phát triển OCOP theo hướng bền vững bảo tồn được tính đa dạng sinh học;
Nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ phù hợp với địa phương để khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng vùng;
Phát triển nông nghiệp hữu cơ và và phát triển du lịch cộng đồng;
Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo trong đề án theo hướng xã hội hoá...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã