Anh Trần Minh Đức phấn đấu đưa sản phẩm tôm khô đạt chuẩn OCOP trong năm 2021.
Xuất phát từ nghề truyền thống của gia đình, anh Đức đã có trên 20 năm gắn bó với nghề làm tôm khô. Cùng với việc tận dụng nguồn tôm nguyên liệu sẵn có từ diện tích đất sản xuất trên 1,5ha của gia đình, anh Đức đã kết hợp thu mua thêm tôm nguyên liệu tại địa phương để chế biến phát triển sản phẩm tôm khô, trong đó chủ yếu là tôm đất tươi sống. Lúc đầu, anh chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, đến năm 2004, anh phát triển thành cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình và hiện tại đã phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã có sự tham gia của trên 10 thành viên.
Để sản phẩm tôm khô đạt chất lượng, tất cả các khâu trong quy trình sản xuất đều được anh Đức thực hiện một cách kỹ lưỡng. Trước đây, khi gia đình chưa có điều kiện, sản phẩm tôm khô của gia đình làm ra chủ yếu bằng phương thức thủ công, tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi sản phẩm. Giờ đây, anh Đức đã đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại như máy sấy để phục vụ quá trình làm tôm khô, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy vậy, không vì dựa vào công nghệ mà sản phẩm tôm khô của anh mất đi hương vị truyền thống.
Các trang thiết bị hiện đại được anh Đức đầu tư, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh sản phẩm tôm khô truyền thống, anh Đức còn phát triển thêm 02 sản phẩm mới là tôm rang sấy giòn và tôm khô ướp gia vị. Chính sự mới lạ đó, đã giúp các sản phẩm của anh được nhiều người chọn mua, tạo tiền đề cho anh xây dựng thương hiệu OCOP, phát triển sản phẩm. Giá của tôm khô được anh bán dao động từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/kg; tôm khô ướp gia vị giá dao động từ 900.000 đến 1,4 triệu đồng/kg; tôm rang sấy giòn có giá từ 600 đến 800 ngàn đồng/kg, tùy loại. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm chủ yếu trong tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm tôm khô của anh Đức không ngừng nâng cao chất lượng nhằm hướng đến công nhận đạt chuẩn OCOP.
Anh Đức cho biết: “Hiện tại, 03 sản phẩm: Tôm khô, tôm rang sấy giòn và tôm khô ướp gia vị đang được tôi xây dựng đăng ký để được công nhận là sản phẩm OCOP trong năm 2021. Để hiểu rõ hơn về việc tạo dựng thương hiệu OCOP, tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ trong việc tập huấn các kiến thức cần thiết. Cùng với đó, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi được Trung tâm Khuyến công của Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ chi phí 50% để mua thiết bị sấy tôm khô ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng; hoạt động với công suất 01 tấn tôm tươi/mẻ sấy trong thời gian 08 – 10 giờ. Bên cạnh đó, tôi cũng đang cố gắng nâng cao chất lượng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, đảm bảo đầy đủ yêu cầu. Hy vọng sẽ đạt được chứng nhận thương hiệu, góp phần phát triển sản phẩm trong thời gian tới”.
Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng Huỳnh Minh Lạc, cho biết: “Trên địa bàn xã, các sản phẩm tôm khô của anh Trần Minh Đức được xem là có quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại và được nhiều người biết đến, đạt được hiệu quả trong sản xuất. Chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi để anh tham gia, hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP trong năm 2021. Nếu được công nhận là sản phẩm OCOP, không chỉ góp phần giúp anh phát triển thương hiệu sản phẩm mà còn giúp địa phương thực hiện hoàn thành chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Theo Hồng Nhung/camau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã