Nếu sắc màu ở các làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên) với doanh thu trong dịp Tết Giáp Ngọ là 5,6 tỷ đồng, Nhơn Thọ (xã Hòa Phước) gần 700 triệu đồng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân địa phương, thì ở vùng đất bạc màu Gò Giảng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong), diện tích trồng sắn cũng đang dần được thu hẹp.
Kỳ vọng vào sự hồi sinh của vùng đất này đã trở thành hiện thực khi dự án chuyên canh cây hoa cúc được huyện triển khai từ tháng 11-2013 với kinh phí đầu tư 1,68 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,48 tỷ đồng (gồm kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng điện, giếng, di dời mồ mả, cải tạo mặt bằng và hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật).
Với việc trồng thí điểm gần 2/10ha ở thời điểm cuối năm, doanh thu của 32 hộ dân tham gia trong dịp Tết vừa qua ước tính hơn 300 triệu đồng, một con số mà người dân nơi đây chưa bao giờ nghĩ đến...
Vùng đất bạc màu Gò Giảng (xã Hòa Phong) trồng thí điểm hoa cúc. |
Cũng với mục đích trao “chiếc cần câu” cho các hộ nghèo có thêm điều kiện tiếp cận khoa học, kỹ thuật, chăm lo phát triển kinh tế vườn, ngoài việc đầu tư 4 vùng rau gần 60ha tại các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Khương thuộc dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng; các ngành chức năng huyện còn vận động nhân dân thôn An Châu (xã Hòa Phú), Trà Kiểm (xã Hòa Phước)... cải tạo vườn tạp, trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ, mít ghép Thái Lan.
Ông Trần Văn Phúc, nông dân thôn An Châu nhận định: “Không có đất cằn cỗi, chỉ là do người canh tác chưa chọn cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng của mỗi vùng mà thôi”. Nhiều mô hình cải tạo vườn tạp đã có hiệu quả từ các năm qua ở Hòa Vang đã phần nào minh chứng cho nhận định này.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xã Hòa Tiến là địa phương thành công bước đầu với các mô hình trồng nấm, cải tạo ruộng đồng kết hợp với dồn điền đổi thửa và trồng lúa giống với tổng diện tích 500ha. Trước đây, nông dân chủ yếu canh tác dựa vào nguồn lúa giống do chính họ lai tạo, hoặc mua từ các công ty kinh doanh giống nhưng sản lượng không cao.
Với dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống” với kinh phí đầu tư gần 500 ngàn USD do Brazil, Ấn Độ, Nam Phi tài trợ, 2 năm trở lại đây, dự án này đã giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống của hơn 4.000 hộ nông dân địa phương, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm, tối đa hóa doanh thu trên một đơn vị diện tích.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Trường, với quyết tâm lấy hiệu quả mô hình sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất làm đòn bẩy nâng cao mức thu nhập, tiến đến giảm sâu và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thời gian qua, Hòa Vang đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, có nhiều mô hình sớm khẳng định là hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Việc triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế, phá vỡ thế độc canh cây trồng, con vật nuôi không chỉ là “bệ đỡ” cho nông dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị. Đây là yếu tố quan trọng giúp Hòa Vang chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng, góp phần xây dựng thành công “Huyện nông thôn mới”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã