Xác định nuôi lợn sạch theo hướng bền vững nên xuyên suốt quá trình triển khai, mọi công đoạn đều được gia đình ông Kính thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, trong đó khâu đầu vào được chú trọng đặc biệt.
|
Trại lợn của gia đình ông Nguyễn Đăng Kính đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Lifsap (ảnh: Việt Khánh) |
Dưới sự tư vấn của đơn vị chức năng và quá trình ghi nhận thực tế, ông Kính quyết định lựa chọn con giống từ những đơn vị uy tín hàng đầu trong ngành chăn nuôi là Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam và Tập đoàn Dabaco.
“Đành rằng chi phí cao nhưng con giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng kỹ lưỡng, đó là mấu chốt để hình thành nên chuỗi thực phẩm sạch. Muốn phát triển bền vững, hộ nuôi phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết, nếu chạy theo hiệu quả kinh tế mà đốt cháy giai đoạn thì thất bại là điều khó tránh khỏi”, ông Kính chia sẻ.
Theo đánh giá chung, hiện trại lợn đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố mà dự án Lifsap yêu cầu (hệ thống quạt hút gió, máng ăn tự động, nước uống đảm bảo, đèn sưởi hồng ngoại, bình phun thuốc khử trùng, dụng cụ bảo hộ lao động, hệ thống biogas…). Chưa kể trong quá trình nuôi, gia đình thường xuyên được cán bộ chuyên ngành hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, cách thức ghi chép nhật ký tiêm phòng, quy trình phối giống... để chủ động trong mọi tình huống.
Tất cả những yếu tố trên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn, đi cùng với đó chính là hiệu quả hiệu quả kinh tế. Nhận thức được giá trị từ mô hình chăn nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAHP, gia đình ông Kính tập trung tối đa nhân lực sẵn có, đồng thời huy động thêm nguồn kinh phí từng bước nhân rộng quy mô. Những lúc cao điểm, trên diện tích 840m2 với 2 dãy chuồng (1 thịt, 1 nái), trang trại có đến 50 con nái và 500 con lợn thịt.
|
Ảnh: Việt Khánh |
Theo tiết lộ của anh Nguyễn Đăng Thành (con trai ông Kính), nếu áp dụng đúng quy trình thì sau 5 tháng lợn có thể xuất bán với trọng lượng đảm bảo trên 1 tạ, mỗi năm triển khai đều đặn 2 lứa. Thực tế cho thấy vụ đầu tiên tình hình vô cùng thuận lợi, giá thị trường thời điểm đó cao chót vót, dao động từ 48.000 – 50.000 đ/kg lợn hơi, trừ chi phí mỗi đầu lợn thu về không dưới 1,4 triệu đồng, tính tổng gia đình lãi ròng khoảng 800 triệu đồng.
Nằm trong số mô hình điểm nên trang trại được quan tâm đặc biệt, bên cạnh những đợt thanh tra theo định kỳ, các đơn vị chức năng (Quản lý thị trường, Trạm Thú y…) cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá chính xác tình hình, đảm bảo tính khách quan. Việc này không khiến ông Kính và gia đình phiền lòng, trái lại còn nhiệt tình ủng hộ.
Từ tháng 11/2016 giá lợn trên cả nước tuột dốc thê thảm, sự việc kéo dài khiến người nuôi lâm vào tình cảnh hết sức bi đát. Theo tính toán, khi thị trường bình ổn mức giá 35.000 – 36.000 đ/kg lợn hơi thì các hộ mới theo được, thế nhưng bấy lâu nay chỉ lẹt đẹt trên dưới 28.000 đ/kg nên khó khăn thêm chất chồng. Không còn lựa chọn nào khác, ông Kính buộc phải giảm tổng đàn xuống 30 lợn nái và 300 lợn thịt để giảm thiểu chi phí nhưng nhìn chung vẫn rất gay go.
Dù trải qua nhiều phen lao đao, khốn đốn nhưng ý định “làm ăn gian dối” chưa bao giờ xuất hiện trong tiềm thức của ông Kính.
“Thị trường có lúc lên lúc xuống, đó là điều mà người chăn nuôi như chúng tôi phải lường trước. Thực tế thời gian qua tình hình kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng, nhưng nếu không kiên định, lơ là trong công tác phòng ngừa thì hậu quả sẽ khôn lường gấp bội phần”, ông chia sẻ.
Với vốn liếng kinh nghiệm dạn dày, lão nông Nguyễn Đăng Kính thừa hiểu nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh lúc này thì việc khôi phục chắc chắn nằm ngoài tầm với. Thế nên dù đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, trang trại vẫn cam kết thực hiện đầy đủ quy chuẩn bắt buộc về công tác thú y: Lợn nái được tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ. Lợn con sau 3 ngày sẽ tiêm phòng ho suyễn, 10 ngày tiêm chống phù đầu, 17 ngày tiêm thương hàn và tụ huyết trùng, 35 ngày tiêm dịch tả và sổ giun.
“Kinh phí tiêm phòng lợn thịt là 80.000đ/con, lợn nái 140.000đ/con, vị chi hết 30 triệu đồng/lứa. Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, áp lực kinh phí càng đè nặng, mong rằng các cấp, ngành liên quan sớm triển khai phương án phù hợp, tạo động lực giúp nhà nông vượt qua giai đoạn khốn khó”, ông Kính bộc bạch.
Xã Nông Trường là 1 trong 5 điểm GAHP trọng tâm của dự án Lifsap trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tham gia dự án, 128 hộ được tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức về chăn nuôi sạch nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm thông qua cải thiện năng suất, chất lượng vật nuôi, đảm bảo ATTP và môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã