Theo nghiên cứu, nấm đối kháng (Trichodecma) có khả năng ức chế các vi sinh vật gây hại trong đất trồng, cạnh tranh dinh dưỡng với chúng và kích thích rễ cây phát triển nhanh hơn. Mặt khác, nấm còn giúp cố định đạm tốt hơn, làm đất tơi xốp, giữ ẩm lâu, phân giải các chất hữu cơ trong đất nhanh hơn… Vì vậy muốn hạn chế cây trồng bị chết rũ, cần đưa nấm đối kháng vào đất ngay trước khi trồng, đồng thời bổ sung định kỳ trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, nhất là những thời điểm cây mẫn cảm với bệnh chết rũ.
Ruộng cà chua được bổ sung nấm đối kháng. Ảnh: I.T
Riêng các cây thuộc họ hành tỏi, cần tập trung bổ sung nấm đối kháng vào đất trồng, vùng rễ cây ngay đầu vụ (giai đoạn mẫn cảm nhất của cây hành với bệnh chết rũ). Nấm đối kháng được trộn cùng phân chuồng rắc đều vào luống đất để bón lót. Khi hành bật khỏi mặt rạ 5-10cm tưới tiếp nấm lần 2. Lần cuối cùng bổ sung nấm vào vùng rễ cây hành tỏi sau lần 2 khoảng 10-15 ngày.
|
Tùy theo lượng nấm đối kháng có trong mỗi chế phẩm mà nông dân có thể dùng với liều lượng khác nhau (áp dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Chế phẩm có tác dụng cao khi được trộn cùng phân chuồng để bón hoặc được nhân nhanh trong dung dịch nước đường rồi tưới vào vùng rễ cây trồng. Thậm chí được sử dụng vào lúc ủ phân chuồng để nhân nhanh số lượng và giúp các chất hữu cơ trong phân chuồng phân giải nhanh hơn, vi sinh vật có hại ít phát sinh.
Việc sử dụng nấm đối kháng sau gieo trồng để hạn chế bệnh chết rũ cho rau màu sẽ khác nhau ở mỗi cây trồng. Tùy theo thời gian sinh trưởng của mỗi loại rau màu khác nhau mà số lần sử dụng nấm đối kháng cũng nhiều, ít khác nhau. Thời điểm cần bổ sung nấm vào vùng rễ cây cũng khác nhau phụ thuộc vào thời kỳ mẫn cảm với bệnh chế rũ của mỗi cây trồng. Ví dụ cây hành mẫn cảm với bệnh ở giai đoạn còn non, nhưng cà chua, dưa, bầu bí lại chết rũ nhiều thời kỳ mang quả. Nên ưu tiên sử dụng nấm đối kháng bổ sung vào vùng rễ cây trồng khi thời tiết có mưa kéo dài hoặc cây trồng trong giai đoạn mẫn cảm với bệnh chết rũ.
Bà con cần chú ý một số điều sau:
+ Vì là chế phẩm sinh học nên khi sử dụng không được trộn cùng phân bón hóa học để tưới hoặc bón hay phun cùng thuốc BVTV hóa học.
+ Muốn nấm phát huy tác dụng cao, cần thúc đẩy nấm nhân nhanh số lượng bằng cách hòa vào dung dịch nước đường trong 12-24 giờ hoặc hòa cùng nước phân chuồng để tưới. Nếu thời điểm dùng nấm đối kháng cũng phải cần bón phân hoặc thuốc trừ sâu hóa học thì nên dùng cách nhau 2-3 ngày.
+ Chế phẩm nấm đối kháng cần được sử dụng ngay sau khi sản xuất là tốt nhất. Bảo quản nấm ở nơi thoáng mát, khô ráo…
Nhiều nông dân vùng chuyên canh rau màu ở Hải Dương đã sử dụng thành công nấm đối kháng nhằm khống chế bệnh chết rũ trên cà chua, hành tỏi, dưa bầu bí… Theo kinh nghiệm của bà con, đối với cây dưa, bầu, bí: Sử dụng nấm đối kháng ngay từ khi làm bầu cây con, tiếp đó bổ sung nấm đối kháng vào các luống đất nhằm xử lý mầm bệnh trước khi gieo trồng (phun chế phẩm hoặc bón cùng phân chuồng). Sau trồng, bổ sung định kỳ cho cây từ 2-3 lượt khi cây dưa bò được 1m, cây đang nuôi quả và khi quả báo chín.
Với các cây họ cà (cà chua, ớt, cà tím...): Bổ sung nấm đối kháng vào thời điểm cây con trong bầu, trước hoặc ngay sau khi trồng, thời điểm cây bắt đầu ra hoa đậu quả, khi cây mang quả rộ và cho thu hoạch rộ.
Tác giả: Kỹ sư Trần Thị Liên
Nguồn: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã