Ớt chịu được hạn, tuy nhiên ở thời kỳ ra hoa và đậu quả, độ ẩm (đất và không khí) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối lượng và chất lượng quả. Độ ẩm đất thấp (dưới 70%) quả hay bị cong và vỏ quả không mịn. Tuy vậy ớt không chịu được úng. Độ ẩm đất quá cao (trên 80%) làm bộ rễ kém phát triển, cây còi cọc.
1. Thời vụ
Vụ Đông Xuân: Gieo hạt tháng 10 - 12, trồng tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 4 - 5 đến tháng 6 - 7.
Vụ Hè Thu: Gieo hạt tháng 6, tháng 7; trồng tháng 8 - 9, thu hoạch tháng 1, tháng 2.
2. Vườn ươm
Dùng giống có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao. Trước khi gieo, xử lý hạt bằng thuốc tím hoặc nước sôi 50 độ C. Làm đất kỹ, bón lót phân chuồng hoai mục 3 - 4 kg/m2, gieo hạt 0,5 - 0,6 g/m2. Sau khi gieo, phủ một lớp rơm rạ băm nhỏ trên mặt luống. Cây con được 1 - 2 lá thật, tiến hành tỉa bỏ cây xấu để mật độ 3 x 4 cm. Cây giống có 5 - 6 lá thật thì đem trồng (khoảng 25 - 30 ngày sau gieo).
Tiêu chuẩn cây ớt giống: Thân cứng, mập, khoảng cách các lá ngắn, không bị sâu bệnh.
3. Làm đất, bón phân, trồng
Nên trồng ớt trên chân đất phù sa có hàm lượng hữu cơ lớn hơn hoặc bằng 1,5%, độ pH 5,5 - 7,0, tốt nhất là 6,5 - 6,8. Nơi trồng ớt sạch phải xa nguồn nước thải, xa các khu công nghiệp, cách đường quốc lộ ít nhất 100 m. Đất trồng phải đảm bảo tưới tiêu chủ động.
Phơi ải đất, làm đất kỹ, lên luống rộng 1m, cao 30 cm, rãnh rộng 20 cm. Trồng hai hàng với khoảng cách 0,6 x 0,4 m.
4. Bón phân
Phân bón chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục và phân vô cơ, tuyệt đối không dùng phân tươi. Lượng phân bón cho một hecta là: 25 tấn phân chuồng mục (900 - 950 kg/sào Bắc Bộ), 150 N, 90 P2O5, 150 K2O (11 kg ure, 21 kg supe lân, 11 kg kali sulfat/sào Bắc Bộ).
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân + 20% đạm + 30% kali.
- Bón thúc:
+ Lần 1 khi cây hồi xanh: 10% đạm.
+ Lần 2 khi cây ra nụ: 20% đạm + 20% kali.
+ Lần 3 cây ra quả rộ: 30% đạm + 30% kali.
+ Lần 4 sau thu hoạch đợt 1: bón số phân còn lại.
Có thể dùng nitrat amôn, sulfat amôn thay cho urê, clorua kali thay cho sulfat kali hoặc các phân hỗn hợp, phức hợp NPK với liều lượng nguyên chất tương đương, hoặc dùng các dung dịch dinh dưỡng phun qua lá theo hướng dẫn của hãng.
5. Tưới nước, chăm sóc
Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù để tưới. Tốt nhất nên dùng nước giếng khoan, nước sông không bị ô nhiễm. Trước khi bón thúc phải làm cỏ, xới xáo, vun luống, vun gốc kết hợp tưới nước. Vào các thời kỳ ra nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước, nếu có thể thì tưới rãnh. Sau khi mặt luống đã thấm nước đều phải tháo hết nước đọng trong rãnh.
6. Phòng trừ sâu bệnh
- Bệnh thán thư (Collettotricum nigrum El. et stal.): Đây là bệnh nguy hiểm gây thối quả hàng loạt. Do bệnh xuất hiện vào giai đoạn quả chín rộ, vào thời điểm nhiệt độ cao (30 độ C), mưa nhiều nên rất khó khăn cho việc phòng trừ bằng thuốc hoá học. Do nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng nên phải thực hiện luân canh nghiêm ngặt. Không trồng liên tục ớt trên một chân ruộng hoặc trồng ớt sau các cây họ cà. Dùng thuốc Zineb 0,3%, Boocdo hoặc Oxyclorua đồng 0,7%.
- Bệnh sương mai (Phytophthora infestant) phá hại tất cả các bộ phận trên cây ớt. Bệnh phát sinh từ mép lá, sau đó lan nhanh ra cả cây, gây thối nhũn, sau đó khô giòn và gẫy. Hoa bị chuyển thành màu nâu và rụng. Phun phòng bằng thuốc Zineb 0,3%, Oxyclorua đồng 0,7%.
- Bệnh héo rũ (Fusarium oxysporum F. lycopensici) xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cây con đến khi ra hoa. Dùng hỗn hợp Kasuzan 0,2%, Fudazol 0,15 để trừ.
- Nhện trắng (Poliphago tarsonemus Latus) gây hiện tượng xoăn ngọn, xoăn lá. Dùng Applaut 0,2%, Ortus, Kinalux để diệt.
- Rệp (Aphis sp). thường xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Dùng thuốc Actara để trừ.
7. Thu hoạch
Thu hoạch ớt khi quả chín cây, tránh để quả giập nát, loại bỏ các quả thối hoặc quả có vết sâu bệnh.
Theo: khuyến nông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã