10 năm nuôi tôm sú truyền thống rồi đến nuôi tôm công nghiệp, để đạt hiệu quả trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Út quyết tâm học hỏi và thực hiện quy trình nuôi tôm chế phẩm sinh học gắn với hạn chế thay nước, chỉ bổ sung lượng nước từ nguồn nước ao lắng đã xử lý, kết quả rất khả quan. Với 6 ao nuôi tôm công nghiệp có diện tích 15.000 m2, mỗi năm, ông thực hiện 3 vụ nuôi, bình quân mỗi năm trừ chi phí còn 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Út bộc bạch: “Nuôi chế phẩm sinh học có nghĩa là mình chọn lấy nước tốt lấy đầy ao và kiểm tra khuẩn. Mình cấy vi sinh nhiều lần để vi khuẩn có lợi lấn át có hại, nếu đạt chuẩn, mình tiến hành chọn giống tốt thả. Làm kiểu này đỡ tốn kém, lại không ô nhiễm môi trường. Từ ngày áp dụng, tôi nuôi tôm hiệu quả rất cao”.
Điểm nổi bật của mô hình này, ông Út đã tận dụng ao vừa thu hoạch, xử lý đáy ao bằng vi sinh hầm cầu ít tốn kém, vừa hạn chế thay nước, tránh ô nhiễm từ môi trường nước bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Út mong muốn: “Bà con nên làm theo mô hình này bởi nuôi tôm sinh học rủi ro ít, thành công nhiều”.
Thấy cách nuôi tôm của ông Út hiệu quả, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi cũng như bà con nuôi tôm ở huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình, Kiên Giang, Bến Tre và Vũng Tàu liên hệ nhờ ông tư vấn.
Là 1 trong 600 hộ gia đình được ông Út tư vấn cách nuôi tôm hạn chế thay nước gắn với sử dụng chế phẩm sinh học, ông Hà Chí Duẩn ở ấp Công Điền, xã Tân Trung, thông tin: "Trong 2 năm qua, tôi nuôi tôm theo cách ông Út tư vấn đạt hiệu quả cao. Đỡ tốn kém, không ô nhiễm môi trường, lợi nhuận cao, mỗi năm, nuôi 3 vụ được, không thải nước bên ngoài làm ô nhiễm môi trường nước, 3 vụ lời khoảng 400-500 triệu đồng".
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung Huỳnh Hải Đăng nhận xét: “Trước tình hình nuôi tôm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Út vận dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp chế phẩm sinh học không có bơm nước ra ngoài, hạn chế chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng một số người dân nuôi tôm. Thời gian tới, UBND xã báo cáo về Phòng Nông nghiệp để triển khai nhân rộng”.
Đầm Dơi là địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp cao nhất tỉnh Cà Mau, với gần 3.000 ha. Tuy nhiên, nỗi lo “trắng tay” của người nuôi tôm ngày càng lớn hơn khi đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước, do người dân bơm nước từ ao - đầm nuôi tôm công nghiệp sau thu hoạch hoặc khi đầm nuôi tôm công nghiệp bị rủi ro. Thực tiễn từ phương pháp nuôi tôm công nghiệp của ông Nguyễn Văn Út vừa mang lại hiệu quả, vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường nước./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã