Đầu tư lưới điện cho nuôi tôm
Trà Vinh đang là một trong những tỉnh nuôi tôm công nghiệp nhiều nhất vùng ĐBSCL. UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tính đến tháng 4/2014, tổng diện tích thả nuôi tôm trên toàn tỉnh là 16.861 ha (tăng trưởng bình quân 65,7%/năm), chủ yếu tự phát. Riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã 3.617 ha, bằng 411% quy hoạch.
Do không có quy hoạch lưới điện từ trước để phục vụ nuôi tôm nên hầu hết hộ dân sử dụng điện sinh hoạt kết hợp nuôi thủy sản, gây quá tải cục bộ tại các trạm biến áp phân phối và lưới điện hạ thế. Với các dự án nuôi tôm lớn, chủ dự án đầu tư trạm biến áp chuyên dùng để cấp điện. Tuy nhiên, do nuôi tôm thẻ chân trắng nên việc sử dụng điện chạy quạt nước tăng gấp đôi, khiến các trạm biến áp này quá tải.
Nuôi tôm là một trong những thế mạnh của Trà Vinh - Ảnh: Nam Anh
Để chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất, ngày 29/7/2014, Công ty Điện lực Trà Vinh cùng Phòng Công thương huyện Duyên Hải và UBND các xã Long Vĩnh, Ngũ Lạc, Dân Thành, Đông Hải, tiến hành bàn giao hướng tuyến và cọc mốc công trình cấp điện khu vực huyện Duyên Hải năm 2014. Theo đó, sẽ cung cấp nguồn điện 3 pha và 1 pha cho 4 xã kể trên, với tổng chiều dài đường dây điện 14,666 km, tổng dung lượng 2.575 KVA; trong đó, tuyến đường điện 3 pha dài 13,064 km, 1 pha 1,602 km, tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ thi công xong trong năm 2014 để kịp thời cung cấp nguồn điện cho người dân phục vụ nuôi thủy sản và sản xuất màu trong vụ mùa 2015.
Chú trọng hệ thống thủy lợi
Hệ thống thủy lợi của tỉnh Trà Vinh đầu tư trước đây ở vùng nước lợ chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay đã từng bước được chuyển dịch sang nuôi tôm cho phù hợp, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hạn chế nên hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nước lợ vẫn không theo kịp việc phát triển sản xuất của người dân, nhiều vùng nuôi tôm vẫn chưa được cung cấp đủ nước cho sản xuất; tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với phát triển sản xuất bền vững.
Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản, điều chỉnh quy hoạch sản xuất tôm giống, quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh tập trung ở các địa bàn trọng điểm. Rà soát điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi. Tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi và hệ thống điện đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng đang đẩy mạnh xây dựng liên kết trong chuỗi sản xuất (liên kết 4 nhà) để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích... Ngoài ra, vấn đề bảo hiểm cho tôm nuôi, đang được ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị tiếp tục triển khai.
>> Năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh này phấn đấu tăng trưởng GDP 4,25%, giá trị sản xuất tăng 6,77% so năm 2013 (trong đó thủy sản 17,18%); tổng sản lượng thủy sản 172.650 tấn (nuôi trồng 96.850 tấn, khai thác 75.800 tấn). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã