Quy trình thực hiện
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai nuôi thực nghiệm xây dựng quy trình nuôi cá bống bớp thương phẩm, bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất 5 tấn/ha từ việc nghiên cứu xác định mật độ thả và thức ăn công nghiệp phù hợp cho quy trình nuôi cá thương phẩm gồm 27 ao thí nghiệm với diện tích khoảng 50 m2/ao. Các ao được lót bạt UV.
Luyện cá bằng thức ăn công nghiệp
Sử dụng bể xi măng hoặc ao lót bạt có thể tích 50 - 100 m3. Đảm bảo các thông số môi trường (Ôxy: 5 - 6 mg/l, pH: 7,5 - 8,5, S: 14 - 15‰) phù hợp với điều kiện sống của cá bống bớp.
Kích cỡ cá thuần dưỡng: 5 - 6 cm. Mật độ thả: 100 con/m3.
Thức ăn sử dụng thuần dưỡng: Cá tạp, tép moi và thức ăn công nghiệp C.P. Cho ăn 10 - 15% tổng khối lượng cá/ngày, thức ăn tự nhiên được xay nhuyễn trộn với thức ăn công nghiệp. Cho cá ăn 2 lần/ngày, điều chỉnh lượng thức ăn tăng hoặc giảm qua theo dõi lượng thức ăn cá sử dụng hàng ngày. Bổ sung thêm vitamin và chế phẩm vi sinh với lượng cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng và khả năng tiêu hóa thức ăn.
Thay nước và xi phông đáy định kỳ 1 ngày/lần. Thời gian thuần dưỡng 15 ngày.
Thả giống
Cá giống có kích cỡ 6 - 7 cm đã được tuyển chọn qua quá trình thuần dưỡng. Cá khỏe mạnh, không xây xát, phản xạ nhanh. Không có dấu hiệu bệnh lý.
Mật độ thả: 10 con/m2, 12 con/m2, 14 con/m2.
Ao nuôi được tiến hành cải tạo, diệt tạp, gây màu, đảm bảo độ sâu mực nước 1,2 - 1,5 m và các thông số môi trường: ôxy hòa tan 4,5 - 6 mg/l, pH trong khoảng 7,2 - 8,5, độ mặn 14 - 15‰, nhiệt độ nước 25 - 300C.
Cho ăn
Thức ăn sử dụng cho cá là thức ăn C.P viên chìm, kích cỡ viên 1 - 1,5 mm tùy theo cỡ miệng cá, thức ăn có độ đạm 42% và 10% lipid.
Cá được cho ăn 2 lần/ngày, 5 - 7% tổng khối lượng cá. Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều tối. Khi cho ăn, thức ăn được rải đều khắp mặt ao, có sàng ở 4 góc ao để kiểm tra thức ăn. Trước mỗi lần cho ăn, kiểm tra sàng để có sự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Trường hợp nhiệt độ xuống dưới 200C hoặc trên 370C thì giảm lượng thức ăn trong ao. Khi lấy nước vào ao nếu nhiệt độ nước ổn định 28 - 300C sẽ cho cá ăn tăng 15% tổng trọng lượng cá có trong ao.
Chăm sóc
Thời gian quạt nước hoặc sục khí được tiến hành vào ban đêm cho đến sáng hôm sau. Thời điểm cá thiếu ôxy nhất là 4 - 6 giờ sáng. Những ngày không có nắng, phải kéo dài thời gian quạt khí.
Hàng ngày theo dõi hoạt động của cá và kiểm tra các yếu tố môi trường (pH, nhiệt độ, ôxy 2 lần/ngày vào 6 giờ và 14 giờ, độ muối kiểm tra định kỳ 10 ngày/lần và khi có mưa). Luôn duy trì mực nước ao phù hợp. Thay nước định kỳ 15 ngày/lần, mỗi lần thay khoảng 15 - 20% lượng nước trong ao.
Định kỳ kiểm tra tốc độ sinh trưởng bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 30 con, tính khối lượng cá trung bình hàng tháng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Kết quả
Qua quy trình nuôi thử nghiệm cho thấy, mật độ nuôi phù hợp nhất là 12 con/m2. Kết quả sau 8 tháng nuôi, cá đạt khối lượng thương phẩm trung bình 74 - 75 g/con, tỷ lệ sống trung bình 64,42% và năng suất 6 tấn/ha/vụ.
Ứng dụng thực tiễn
Chỉ tính riêng huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, năm 2014 đã có 300 hộ nuôi thương phẩm cá bống bớp, với diện tích khoảng 700 - 800 ha, tổng sản lượng ước đạt 2.000 - 2.500 tấn.
Hiệu quả mô hình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp tính trên 10.000 m2 diện tích ao nuôi, tổng giá trị sản xuất đạt được khoảng 1.380 triệu đồng, trong khi mô hình nuôi chuyên canh sử dụng thức ăn tôm cá tạp tự chế đạt 777,4 triệu đồng và nuôi quảng canh đạt 307,2 triệu đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã