Gã “gàn” trồng cam trên đất vải thiều
Nhìn vào vườn cam bạt ngàn, sai trĩu quả, ít ai biết rằng, trước đây ông đã bị người ta gán cho là “gàn”. Người ta bảo ông “gàn”, bởi ở cái đất được mệnh danh là “thủ phủ” của vải thiều này bao đời nay có ai trồng cam, với bưởi gì đâu. Bỗng ông chặt vải đi trồng cam, người ta gọi ông là “gàn” cũng là điều dễ hiểu. Ông Long cho biết, ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, ngay từ nhỏ ông đã phải sống tự lập. Năm 1988, ông lập gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, khi 3 con lần lượt ra đời.
Ông Bùi Đức Long (phố Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hái cam. Ảnh: V.T
Theo ông Long, trước đây, hằng năm gia đình ông phải thuê 60-70 lao động về đào rễ cây, chi phí 150.000-200.000 đồng/ngày công. Khi ấy, những cây khoanh rễ không kịp do chậm muộn ra rất ít hoa, nhiều cây không có. Một số lao động mới làm không quen, đào đất sâu quá khiến rễ cây chết hoặc ngừng ra hoa nhiều năm liền. Đến nay, toàn bộ diện tích cam Canh của gia đình ông đều được chăm sóc theo phương pháp này. |
Ông Long cho biết, năm 2003, khi đang xem tivi, ông tình cờ xem được chương trình nói về mô hình trồng cam Canh ở Văn Giang, Hưng Yên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/sào. Chương trình kết thúc, ông ngồi tần ngần một hồi và tự vấn mình. “Sao đất họ hẹp vậy mà vẫn có thể làm giàu được. Đất của mình mênh mông sao mình vẫn nghèo?”.
Để tìm câu trả lời, ngày hôm sau ông bắt xe về Hưng Yên, tìm đến tận vườn cam để hỏi các chủ vườn về cách trồng cam và làm giàu của các chủ vườn nơi đây. “Thấy tôi tha thiết mong muốn được học hỏi, nên ai nấy đều chỉ bảo rất tận tình. Thú thực khi đó, dù đã “thông” đầu óc, nhưng tôi chưa dám chắc là mình thành công với cam Canh trên đất Hồng Giang. Nhưng tính mình là thế, đã nghĩ là sẽ làm và quyết tâm làm bằng được” - ông Long chia sẻ.
Sau chuyến “mục sở thị” ở Hưng Yên, trở về ông bàn với vợ gom tiền, rồi vay mượn thêm họ hàng chuyển đổi một phần đất vải sang trồng cam và mua thêm 1,5 mẫu ruộng trũng, rồi thuê máy móc cải tạo thành vườn cao để trồng cam Canh. Ông Long nhớ lại: “Bàn là thế, nhưng vợ không đồng ý, vì thấy rất mạo hiểm, thế là tôi phải một mình cáng đáng. Vợ chồng tôi mất nửa năm không nói chuyện với nhau, nhưng sau đó thấy tôi quyết tâm không cản được, bà ấy lại quay ra cáng đáng cùng tôi”.
Ông Long bảo, nghĩ lại lúc đó cũng liều thật. Bởi ở vùng đất này chỉ có vải, chứ có thấy ai trồng cam đâu. Do đó lúc đầu chỉ một mình ông cùng mấy người làm công kham mọi việc từ lên luống, làm bầu, trồng, chăm sóc 700 cây cam Canh. Chỉ đến khi thấy cây cam phát triển xanh tốt, vợ ông mới nguôi giận, xắn tay cùng ông chăm bón vì thương chồng một tay lo liệu mọi việc.
Yêu cam, cam cho quả ngọt
Người dân “thần tượng” chụp ảnh chung với ông Bùi Đức Long, phố Kép, Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) dưới gốc cây bưởi sai trĩu quả. Ảnh: V.T
Ông Long cho biết, lúc đầu do chưa có kỹ thuật nên việc chăm cam gặp rất nhiều khó khăn, bởi cam thường hay mắc các bệnh như rệp lá, vàng lá gân xanh… Nhưng hiện nay, ông đã kiểm soát được tất cả các bệnh của cam, không chỉ vậy ông còn có khả năng “ép”, điều khiển cam ra quả theo ý muốn của mình.
Trước đó, để có tiền nuôi ước mơ lớn là phát triển vùng cam Hồng Giang và xây dựng được thương hiệu cam Canh Hồng Giang, ông Long đã phải lấy ngắn nuôi dài. Cụ thể, khi cam còn thấp, chưa có thu hoạch, ông đã trồng xen đu đủ Đài Loan, nhờ đó mỗi năm cũng thu về 70-100 triệu đồng, dần trả hết nợ. Hơn 3 năm miệt mài ngày đêm chăm sóc, lứa đầu tiên, ông Long bán 3,5 tấn cam thu về gần 200 triệu đồng. Thu nhập từ vườn cam cứ thế tăng dần sau mỗi vụ. Nhận thấy loại cây này hiệu quả hơn hẳn so với những cây trồng cũ, ông dùng tiền lãi từ bán cam tiếp tục mua đất mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông có 5ha cam Canh, trong đó 4ha đã cho thu quả.
Để cam ngon, đẹp, đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả mỹ mãn nhất đúng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông thuê 12 lao động hằng ngày theo dõi phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh lượng nước tưới, loại bỏ quả xấu kém chất lượng.
“Năm nay mặc dù cả xã mất mùa, nhưng nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, thực hiện triệt để VietGAP, nhờ đó sản lượng cam của gia đình vẫn đạt khoảng 80 tấn, với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, dự kiến thu về khoảng 3 - 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng” - ông Long vui vẻ cho biết.
Theo ông Long, muốn cam sai quả phải ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong một thời gian ngắn, giúp phân hóa mầm hoa và đậu quả. Tuy nhiên, cam là giống cây khó tính, mất nhiều công sức chăm sóc, chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, trong quá trình canh tác, ông luôn trăn trở nhằm tìm ra phương pháp giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích.
Đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, năm 2010 ông đã tự nghiên cứu và thí nghiệm thành công phương pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Canh”. Với phương pháp này, chủ vườn không cần đào rễ mà dùng phân kali phối hợp với khoanh cành.
Ban đầu ông chỉ thí điểm trên 20 gốc, các bước được tiến hành tuần tự: Cuối tháng 11 âm lịch, khi cây bung gần hết lộc non, dùng kali sunfat pha theo nồng độ 0,1kg/20 lít nước phun ướt đều trên bề mặt lá. Sau đó khoảng 7-10 ngày, tiến hành tưới kali clorua dưới gốc theo tỷ lệ 0,2kg hòa với 8 lít nước/m đường kính tán lá, tưới đều từ tán cây trở vào gốc. Sau tưới 10 ngày, lá cây chuyển màu xanh sang vàng nhẹ, dùng dao mỏng tiện một vòng cách gốc 0,3 - 0,4m để cây suy yếu tạm thời, tích tụ dinh dưỡng và kích thích ra hoa.
Sau 15-20 ngày, khi cây phân hóa mầm hoa thì phun kích thích tố hoa trái Thiên nông. Sau khi hoa nở bung hết khoảng 1 tuần thì tiện gốc lần hai, nếu cây yếu chừa lại 1-2 cm vỏ. Kết quả, cả 20 cây cam đều sai quả. Vụ cam năm 2011, ông Long nhân rộng lên 1.000 cây sau khi áp dụng thành công ở bước đầu.
Biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ ngoài giảm chi phí đầu tư thì năm nào vườn cam của gia đình ông cũng sai trĩu quả. Ông Long tính toán: “So với cách trồng thông thường sẽ giảm chi phí nhân công được 15 triệu đồng/ha/năm; cây ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, ít mắc bệnh, năng suất tăng, mã quả đẹp, mọng nước, không bị nứt nên tiêu thụ thuận lợi…
Tác giả bài viết: Việt Tùng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã