Điều này được minh chứng tại các ruộng khoai lang trồng thí nghiệm ở một số xã huyện Bình Tân, thực hiện theo đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long”, kết quả đã khống chế sâu đục củ xuống chỉ còn khoảng 5%, trong khi ruộng ngoài mô hình lên đến 40- 50%.
Yếu kém khâu vệ sinh đồng ruộng
Đề tài được triển khai với mục tiêu đánh giá thực trạng tình hình gây hại sâu đục củ khoai lang và hiệu quả của một số biện pháp phòng trị. Đồng thời, đề xuất quy trình và xây dựng được mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang hiệu quả khả thi áp dụng và sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo báo cáo của Tiến sĩ Lê Văn Vàng (Khoa Nông nghiệp- Đại học Cần Thơ) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long) đồng chủ nhiệm đề tài, quá trình khảo sát vòng đời và các đặc tính sinh học, thử nghiệm một số biện pháp quản lý, đã xác định loài sâu thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera), họ ngài sáng (Pyralidae).
Cũng theo nhóm nghiên cứu, thành trùng của loài sâu hại này là loài bướm có kích thước nhỏ sải cánh rộng hơn 2cm, thân mình và cánh có màu xám, có nhiều vân và đốm trắng gãy khúc dọc theo chiều ngang và ở phần giữa của cánh. Khi đủ sức, ấu trùng phát triển có thể tấn công trên bề mặt củ khoai, đục vào củ tạo thành các lỗ tròn nhỏ. Khi đủ lớn, ấu trùng hóa nhộng ngay trong đất có màu nâu đen trùng với màu của đất nên rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyết, qua nghiên cứu loài sâu này rất dễ chết, gặp điều kiện thích hợp sẽ chui từ dưới đất để gây hại. Một trong những yếu tố khiến loài sâu này phát triển mạnh thời gian qua do bà con canh tác khoai lang liên tục, thời gian phơi đất ngắn, khâu vệ sinh đồng ruộng làm sơ sài.
Một nguyên nhân khác, qua ghi nhận là khi vào thời điểm thu hoạch gặp giá cả bất lợi nên không ít nông dân neo khoai ngoài ruộng chờ giá.
Điều này được cho là điều kiện thuận lợi để sâu gây hại. Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, sâu đục củ phần lớn thường gây hại nặng ở giai đoạn khoai lang từ 3 tháng trở lên. Rơi vào những trường hợp này, nông dân sẽ tăng cường xử lý thuốc bảo vệ thực vật vô tình giết chết các loài thiên địch, sâu kháng thuốc sẽ gia tăng diện tích gây hại.
Sản xuất khoai thâm canh tổng hợp
Một trong những điểm mới của việc áp dụng quy trình sản xuất “thâm canh tổng hợp” là sử dụng màng phủ, nấm Trichoderma, trồng sả…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyết, những khâu ban đầu như làm đất, xử lý giống cũng hết sức quan trọng. “Ấu trùng sâu này có xuất phát điểm từ đất chui lên gây hại, vì vậy, trước khi xuống giống cần dọn sạch tàn dư thực vật từ vụ trước và cày ải phơi đất hoặc áp dụng cách cho ruộng ngập nước.
Sau khi thu hoạch nên cho nước ngập ruộng ít nhất 7 ngày để diệt trứng, nhộng và sâu non. Quá trình lên luống trồng cần kết hợp bón vôi, phân hữu cơ (500kg/1.000m2) và nấm Trichoderma (1kg/1.000m2).
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyết, sử dụng màng phủ nông nghiệp trên vồng trước khi trồng có thể ngăn cản sự thâm nhập và gây hại của sâu đục củ và kể cả sùng (bọ hà) gây hại củ khoai lang.
Điều này được minh chứng từ kết quả sản xuất đối với những ruộng sử dụng màng phủ, sản lượng củ thiệt hại chỉ 7,2%, trong khi ruộng ngoài mô hình thiệt hại lên đến 11,3%.
Nhằm loại bỏ nguồn lưu tồn của sâu đục khoai lang và hạn chế sự gây hại của bệnh héo dây, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo bà con cần xử lý hom giống bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5%.
Đặc biệt, trồng sả ven ruộng khoai để xua đuổi dịch hại cũng là một trong những điểm mới mà nhiều nông dân tham gia mô hình đánh giá cao.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Vàng, biện pháp này đã được nghiên cứu trên nhiều loại cây trồng khác chứ không riêng khoai lang. Sả sẽ được trồng trên bờ bao trước khi đặt hom khoai lang (3- 5 ngày) và trồng rải rác trong ruộng khi đặt hom.
Trong những trường hợp cần thiết (sự bộc phát của sâu bệnh), ruộng khoai lang sẽ được xử lý thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, hạn chế tối đa sử dụng thuốc tràn lan làm tiêu diệt thiên địch và ảnh hưởng không tốt môi trường.
Về lâu dài, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo, bà con cần luân canh khoai lang với cây lúa hoặc rau màu khác để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu non, đồng thời diệt được sâu non và nhộng trong đất.
Nên bố trí mùa vụ thích hợp, cần sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch rải vụ, không để neo khoai ngoài đồng quá lứa vừa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân vừa hạn chế được sâu đục củ gây hại.
Ông Nguyễn Tấn Thanh- nông dân trồng khoai lang ở xã Thành Trung (Bình Tân) cho biết: Làm theo quy trình giảm khoảng 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên chi phí cũng giảm theo đáng kể so sản xuất ngoài mô hình. Vụ khoai vừa qua, sau khi thu hoạch sản lượng khoai bị sâu đục củ tấn công trên 4 công khoai của ông Thanh chỉ còn khoảng 10%, trong khi những vụ khoai trước lên đến 60%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã