9. Phòng trừ sâu bệnh:
Với cây ngô vụ đông, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại sau đây:
9.1. Sâu hại ngô:
- Sâu xám (Agrotis ipsilon Rott): gây hại chủ yếu ở thời kỳ cây còn non. Sâu thường gây hại vào ban đêm. Sâu cắn ngang cây non, lôi xuống đất để ăn. Sâu xám phá hại mạnh từ lúc ngô mọc mầm đến khi 5-6 lá. Khi cây ngô có 7-8 lá, sâu xám thường đục qua gốc vào bên trong thân, ăn phần mềm ở giữa làm cây ngô héo và chết.
Biện pháp phòng trừ:
+ Làm đất kỹ, làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, dọn thật sạch cỏ dại.
+ Gieo, trồng ngô đúng thời vụ và tập trung.
+ Bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm.
+ Dùng bẫy để diệt sâu xám. Mồi bẫy làm theo công thức: 400g nước mật (hoặc nước đường) + 400ml dấm + 100ml rượu + 100ml nước + 5g thuốc Padan: khuấy đều thành hỗn hợp phun lên bó rơm rạ, cắm quanh bờ ruộng (mỗi sào Bắc bộ cắm 1-2 bó).
+ Dùng thuốc trừ: có thể dùng 1 trong 2 loại thuốc: Basudin 10H (1,0-1,5 kg) hoặc Diaphos (0,7kg) trộn với đất bột để rắc theo hàng cho 1 sào Bắc bộ.
- Sâu đục thân ngô (Ostrinia nubinalis): gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây ngô và hại ở tất cả các bộ phận (thân, lá, bắp). Khi cây ngô còn nhỏ, sâu đục vào nõn làm chết điểm sinh trưởng. Khi cây ngô lớn hơn, sâu đục vào thân làm cản trở quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, khi gặp gió bão cây ngô sẽ bị đổ gãy. Khi trỗ cờ, sâu đục vào cờ làm gãy cờ, đục vào bắp làm thối bắp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng ngô.
Biện pháp phòng trừ:
Dùng thuốc Padan 95SP (20-30g) hoặc thuốc Regent 800WG (1,0-1,5g) pha với 20 lít nước để phun cho 1 sào Bắc bộ khi sâu non mới nở. Có thể dùng thuốc dạng hạt như: Basudin 10H, Diaphos 10H bằng cách rắc 4-5 hạt vào nõn cây ngô.
- Rệp cờ hại ngô (Aphis maydis Fitch và Rhopalosiphum maydis): thường gây hại từ khi cây ngô 8 - 9 lá đến khi thu hoạch. Rệp bám trên lá, trong nõn, bẹ lá, lá bi, hoa cờ… chích hút nhựa các bộ phận làm cho cây còi cọc, bắp nhỏ, năng suất và chất lượng ngô giảm. Rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn. Rệp ngô còn là môi giới truyền vi-rút gây bệnh khảm lá, đốm lá ngô.
Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để không bị rệp bay sang phá hại từ các ký chủ phụ.
+ Trồng ngô với mật độ hợp lý, không quá dầy. Khi cây ngô cao 25-30 cm thì tiến hành tỉa định cây, loại bỏ những cây gầy yếu cho ruộng thông thoáng hạn chế rệp phát triển.
+ Bảo vệ các loài thiên địch trên ruộng ngô.
+ Khi mật độ rệp cao dùng các loại thuốc phổ biến như Mospilan 3EC, Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Reasgant 1.8EC… phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
9.2. Bệnh hại ngô:
- Bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani Kuhn): hạch nấm tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh và hạt giống. Nấm bệnh gây hại cho ngô từ khi mới nảy mầm đến khi thu hoạch. Cây ngô bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mầm thường còi cọc và vàng, nhưng thường gây hại nặng ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ đến làm hạt.
Biện pháp phòng trừ:
+ Không chọn những bắp bị bệnh để làm giống.
+ Lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng.
+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh. Cày ải hoặc ngâm dầm để diệt hạch nấm.
+ Xử lý hạt giống bằng Rovral (2g/10kg hạt giống).
+ Ruộng ngô bị bệnh giai đoạn cây ngô đã lớn: làm sạch cỏ, bóc sạch bẹ và lá bị bệnh đem tiêu hủy.
+ Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng bón cho ngô với lượng 80-100 kg/ha (3-4 kg/sào Bắc bộ) để phòng bệnh.
+ Phun trừ bệnh bằng thuốc Validamicin 3SC, Validacin 3% hoặc Anvil 5SC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bệnh đốm lá lớn (Helminthosporium turcicum Pass): Nấm bệnh xâm nhập vào lá qua các bộ phận còn non trên cây. Những ruộng ngô xấu, ít được chăm sóc hoặc những ruộng thường xuyên bị thiếu nước... làm cho cây ngô sinh trưởng kém, còi cọc, không phát triển được là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh phát triển. Các giống ngô địa phương bị bệnh nặng hơn các giống ngô lai. Tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng là nguồn lây nhiễm cho vụ sau.
Biện pháp phòng trừ:
+ Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh.
+ Dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovral (2g/10kg hạt).
+ Luân canh trồng ngô với lúa và cây họ đậu. Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh.
+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu huỷ. Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô.
+ Phun các loại thuốc Tilt 250ND, Anvil 5SC, Zinep 80WP, Carbenzim 500FL phun trừ bệnh. Lượng và cách phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bệnh sọc lá (Peronosclerrospara sorghi): một trong những nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng là nông dân chưa nhận diện được bệnh và dùng thuốc chưa đúng. Cách nhận diện bệnh: lá ngô có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá và lá hẹp hơn bình thường; lá đứng, có thể bị rách. Có những sợi tơ nấm màu trắng phát triển ở cả hai mặt của phiến lá. Cây ngô bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt. Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.
Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng và gieo, trồng đồng loạt.
+ Không chọn làm giống từ ruộng có cây nhiễm bệnh.
+ Xử lý giống trước gieo bằng cách: trộn thuốc Ridomil Gold 68WG với liều lượng 15 g/kg hạt giống một ngày trước khi gieo.
+ Bón phân NPK, không bón nhiều phân đạm.
+ Những vùng áp lực bệnh nặng nên phun thuốc Ridomil Gold 68WG khi cây con mọc 7-10 ngày sau khi gieo. Khi cây được 20-25 ngày phun kỹ, đều 2 mặt lá, nên kiểm tra lại nếu còn triệu chứng bệnh thì phun thêm lần 2. Có thể dùng thuốc Amistar Top 325SC theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
+ Cây bị nhiễm bệnh cần nhổ bỏ, đem ra khỏi ruộng tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt.
- Bệnh lùn sọc đen: đây là bệnh phổ biến khi trồng ngô trên đất lúa. Tác nhân gây bệnh do do vi-rút gây bệnh lùn sọc đen phương nam gây ra, vi-rút này thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae. Rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới truyền bệnh.
Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là cây thấp lùn, lá ngọn xoăn, lá xanh đậm hơn bình thường; phiến lá dày và giòn; một số cây gốc mọc thêm nhiều chồi phụ. Khi cây có 4-6 lá thì có u sáp sần xùi trên đốt thân, dọc gân ở mặt sau lá, cổ lá xếp xít nhau và xòe ngang. Cây bị bệnh có thể không ra bắp hoặc có thể có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.
Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng để diệt trừ rầy lưng trắng. Đốt, dọn tàn dư hoặc cày vùi gốc rạ, dọn sạch cỏ dại nếu thấy dấu hiệu có rầy trong vụ lúa trước đó.
+ Xử lý hạt giống bằng thuốc Cruise plus theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
10. Thu hoạch và sơ chế:
- Thu hoạch khi ngô chín hoàn toàn hoặc chín sinh lý (dấu hiệu chín sinh lý khi chân hạt ngô có vết đen hoặc 75% số cây ngô trên ruộng có lá bị khô), độ ẩm đạt 28-30%. Cũng có thể thu hoạch muộn hơn nếu thời tiết không ảnh hưởng.
- Phơi nắng hoặc sấy bắp ngô đến khi độ ẩm hạt đạt 14-15% thì có thể đóng bao, cất trữ nơi khô ráo, thoáng mát./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã