Tại thị trấn Vũng Liêm, đây là mô hình được đánh giá là khá phù hợp cho đô thị, có thể đem lại thu nhập khá cho người dân.
Dễ nhân rộng, ít tốn công
Thời gian gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đã dần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi trên mạt cưa được đánh giá có hiệu quả khá cao và bước đầu những mô hình thí điểm này đã đem lại thu nhập khá cho một số hộ dân.
Dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhẹ công chăm sóc, nên nấm bào ngư được nhiều hộ dân ở đô thị lựa chọn. Trồng gần 1.000 túi phôi nấm trong nhà củi cải tạo lại, anh Võ Văn Chính (ấp Phong Thới- thị trấn Vũng Liêm) cho biết: “Không có đất sản xuất nhiều, nên tôi chọn mô hình này vì thời gian nuôi trồng ngắn, nhanh thu hồi vốn, có lãi, lại không tốn nhân công, một mình tôi cũng làm được”.
Bên cạnh đó, nấm linh chi cũng được nhiều người quan tâm bởi đây không những là nấm ăn mà còn là một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Tận dụng nhà kho để trồng 300 túi phôi nấm linh chi, chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (ấp Rạch Trúc- thị trấn Vũng Liêm) cho biết: Loại nấm này ít tốn công chăm sóc, giá cao, từ 800 ngàn- 1 triệu đồng/kg.
Nấm linh chi khô dùng để uống trà rất tốt cho sức khỏe, hoặc bào tử nấm dạng bột có tác dụng làm đẹp. Cũng như nấm bào ngư, trồng nấm linh chi không cần diện tích lớn, có thể tận dụng các nhà kho cũ, chỉ cần tưới nước ngày 2 lần và đảm bảo độ ẩm, ánh sáng đúng kỹ thuật…
Anh Nguyễn Thanh Vũ- Phó Phòng Tư vấn dịch vụ- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ) cho biết: Hiện phôi nấm bào ngư có giá 5.500 đ/túi, nấm linh chi 6.500 đ/túi. Mỗi túi phôi nấm bào ngư thu hoạch từ 7- 10 lần, cho từ 300- 500g nấm, giá bán từ 30.000- 50.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời khoảng 5.000- 10.000 đ/túi.
Anh Nguyễn Hữu Dùng-Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ) cũng là chủ nhiệm đề tài cho biết: Trồng nấm bào ngư và linh chi không tốn nhiều đất nhưng quan trọng là phải đảm bảo quy trình trồng hợp lý, khoa học.
Đây là mô hình hay, hiệu quả, dễ áp dụng cho khu vực đô thị, góp phần cung cấp nấm sạch cho thị trường. Sắp tới, sẽ tiến hành mở rộng dự án, áp dụng nhiều hơn ở vùng đô thị.
Để sản xuất bền vững hơn
Nhiều hộ dân trồng nấm nhận thấy được hiệu quả, lợi nhuận từ mô hình, tuy nhiên về lâu dài các hộ dân này vẫn lo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cơ Ba- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũng Liêm nhận định: Đây là mô hình có thể phát triển ở đô thị, tuy nhiên ở Vũng Liêm chỉ mới trồng thí điểm do chưa có đơn vị đứng ra triển khai thu mua rộng rãi mà chủ yếu các hộ dân sản xuất tự tiêu thụ với số lượng nhỏ lẻ. Nếu giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm thì đây là mô hình rất tiềm năng cho đô thị.
Trồng 700 túi phôi nấm linh chi, chú Đinh Văn Huệ (Khóm 2- thị trấn Vũng Liêm) cho biết: “Hiện tại tôi đang trồng ở bước thử nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy nấm cho tai nhiều, tỷ lệ đạt gần 100%. Với giá 6.500 đ/túi phôi nấm và 1,5 triệu đồng cho hệ thống tưới tự động thì sau khi thu hoạch sẽ còn lời vài chục triệu đồng.
So với một số loại nấm, hiện nấm linh chi còn kén thị trường tiêu thụ bởi giá nấm khá cao. Tôi cũng muốn truyền đạt kinh nghiệm để bà con cùng trồng nhưng hiện tại còn lo đầu ra. Trồng nấm linh chi đòi hỏi chi phí khá cao, nếu không có cơ sở thu mua lâu dài thì rất khó nhân rộng”.
Trồng nấm bào ngư, nấm linh chi cho thu nhập khá lại không tốn nhiều diện tích đất và nhẹ công chăm sóc. Mô hình này góp phần cải thiện kinh tế, tạo việc làm cho người dân, thích hợp cho khu vực đô thị. Tuy nhiên, theo một số hộ dân, để người dân yên tâm sản xuất rất cần sự hỗ trợ về kênh tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm của ngành chức năng để đầu ra ổn định hơn.
Anh Nguyễn Hữu Dùng- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ- chủ nhiệm đề tài cho biết: Lưu ý, nhà trại nuôi trồng nấm phải sạch sẽ, thoáng mát, ít ánh sáng nhưng không tối, không bị dột mưa hay nắng chiếu vào, không nên để chung với đồ sinh hoạt trong gia đình, vật liệu, sách vở…
Xung quanh trại nuôi trồng cần giăng bạt chắn gió lưới mùng (hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây hại). Trại nấm nên lợp lá nền đất hoặc cát nhằm giữ độ ẩm và nhiệt độ ổn định.
Chiều cao từ nóc đến nền đất trung bình khoảng 4,2- 4,5m. Trại nuôi trồng có lợp ngói, xi măng hay tôn lạnh thì vẫn có thể sử dụng miễn giữ ổn định nhiệt độ, độ ẩm cho trại nấm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã