Thời gian qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, trong đó có quả thanh long. Tuy nhiên thị trường này ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và siết chặt hoạt động nhập khẩu theo hình thức biên mậu.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 9 loại quả tươi của Việt Nam, trong đó có thanh long với yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại theo quy định.
Đáng chú ý, 3 loài rệp sáp giả Pseudococcus jackbeardslyei, Phenacoccus solanopsis và Planococcus minor là những đối tượng mà Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt trên thanh long...
Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, trong đó biện pháp phòng trừ sinh học là rất quan trọng nhằm giảm sử dụng thuốc hóa học, tăng chất lượng, giữ năng suất nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thanh long của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Từ năm 2020, Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện nghiên cứu rệp sáp giả hại thanh long và đề xuất biện pháp phòng trừ theo hướng sinh học. Từ tháng 1 - 8/2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình phòng trừ rệp sáp giả với diện tích 1,5ha (0,5ha vườn kiến thiết cơ bản và 1ha vườn kinh doanh) tại thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc).
Bên cạnh đó, Viện và Chi cục còn tổ chức lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật phát hiện và các biện pháp phòng trừ rệp sáp giả hại thanh long.
Theo các nông dân, các biện pháp được triển khai trên mô hình như cắt bỏ sát cuống quả bị hư, chồi không hữu hiệu, những bộ phận bị rệp sáp hại nặng... đem tiêu hủy.
Cùng với đó, áp dụng biện pháp sinh học như trồng xen một số loại hoa có màu sắc sặc sỡ như hoa sao nhái, dừa cạn... trong vườn thanh long (cứ 3 hàng thanh long trồng một hàng hoa) nhằm tạo nơi cư trú, thu hút các loài thiên địch; tiến hành thả bọ rùa bắt mồi, ong kí sinh để diệt rệp sáp giả. Mô hình còn sử dùng các loại chế phẩm sinh học và các thuốc có nguồn gốc sinh học để tiêu diệt sâu bệnh hại khác.
Ông Trương Văn Hồng, nông dân tham mô hình tại xã Hàm Hiệp cho biết, quy trình phòng trừ rệp sáp giả hại thanh long theo hướng an toàn sinh học đơn giản, nông dân dễ áp dụng. Qua thời gian áp dụng mô hình, ông thấy kiểm soát tốt rệp sáp giả gây hại thanh long, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo sản phẩm không có tồn dư thuốc BVTV, năng suất vẫn đảm bảo.
Tham quan mô hình phòng trừ rệp sáp giả theo hướng sinh học của gia đình ông Trường Văn Hồng, ông Lê Anh Hào ở xã Hàm Hiệp mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình để chất lượng thanh long ngày càng nâng cao, đáp ứng mọi thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Hữu Nhiệm, cán bộ kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận) cho biết, qua thời gian thực hiện mô hình phòng chống rệp sáp giả bằng đấu tranh sinh học, đã giúp vườn thanh long kiểm soát tốt rệp sáp giả gây hại. Do đó, nông dân trồng thanh long trong tỉnh cần nhân rộng mô hình này để sản phẩm xuất khẩu được thuận lợi.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận, ngoài kiểm soát tốt rệp sáp giả hại thanh long với hiệu quả phòng trừ cao trên 80%, mô hình còn giảm được 1 lần phun thuốc hóa học/vụ. Nông dân áp dụng quy trình này sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế hơn 25% so với việc áp dụng các biện pháp phòng trừ rệp sáp giả trước đó.
Ngành nông nghiệp Bình Thuận và người trồng thanh long đang hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong sản xuất thanh long thời gian tới.
https://nongnghiep.vn/phong-tru-rep-sap-gia-hai-thanh-long-theo-huong-sinh-hoc-d330462.htmlBình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Năm 2021, diện tích thanh long của tỉnh này khoảng 33.750ha, với hơn 30 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế, xuất khẩu thanh long. Hằng năm, cây thanh long tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 80 nghìn lao động. Giá trị xuất khẩu thanh long chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã