“Tổ dân phố điện tử” được đặt tại Nhà văn hóa TDP 1, phường Nam Hà
Thay vì đến trụ sở UBND phường, giờ đây ông Hồ Bá Vỹ ở tổ dân phố (TDP) 1, phường Nam Hà chỉ cần đến nhà văn hóa để làm các thủ tục hành chính (TTHC). Việc này giúp ông giảm thời gian đi lại và thuận tiện khi làm các giấy tờ cần thiết.
Ông Vỹ cho biết: “Trước đây, người dân muốn làm thủ tục phải đến trụ sở UBND phường trong giờ hành chính để nộp hồ sơ, kê khai giấy tờ, rồi lại nhận kết quả. Nhưng từ khi có “tổ dân phố điện tử” ở ngay khu dân cư, người dân có thể nộp bất cứ lúc nào và chỉ cần một lần đến trụ sở phường nhận kết quả. Tôi thấy đây là một mô hình rất tiện, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân”.
Từ ngày “tổ dân phố điện tử” đi vào hoạt động, ông Hồ Bá Vỹ không cần phải đến trụ sở UBND phường Nam Hà làm một số thủ tục hành chính
Mô hình này được phường Nam Hà triển khai từ tháng 5/2019, nhằm giúp người dân làm quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thậm chí khi người dân đã biết cách và có đủ trang thiết bị (máy tính nối mạng, máy scan hoặc thiết bị có khả năng chụp ảnh) có thể thực hiện các thủ tục ngay tại nhà.
Áp dụng mô hình này giúp việc kê khai, làm TTHC của người dân đi vào nền nếp, từng bước tiếp cận với công nghệ mới, minh bạch và thuận tiện, từ đó hình thành “công dân điện tử”.
Số lượng người dân đến “tổ dân phố điện tử” để được hướng dẫn về quy trình thực hiện dịch vụ công ngày một tăng
Chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Nam Hà chia sẻ: “Tổ dân phố điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giúp tôi tiết kiệm được công sức đi lại mà vẫn thực hiện được các thủ tục hành chính.
Tôi có thể bổ sung những giấy tờ qua mạng với những tài khoản đã được cung cấp và chỉ việc chờ kết quả. Điều này giúp tôi nâng cao ý thức, thói quen sử dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện TTHC”.
Cán bộ hướng dẫn người dân các thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến qua điện thoại thông minh
Với những tiện ích này, từ tháng 5/2019 đến nay, UBND phường Nam Hà đã tiếp nhận 195 hồ sơ qua mạng, chiếm trên 30% tổng hồ sơ hành chính được tiếp nhận trên toàn phường. Trong đó, 90% hồ sơ được người dân nộp tại “tổ dân phố điện tử”, còn lại thực hiện từ nhà.
Ông Trần Xuân Sơn - Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết, mô hình “tổ dân phố điện tử” có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phường. Điểm khác biệt là việc tổ chức này tại khu dân cư - nơi mà người dân trực tiếp sinh sống, đi lại.
Điều này sẽ tạo thuận lợi để người dân tương tác dễ dàng, không phải chờ đợi, xếp hàng tại khu vực một cửa. Các nhân viên tại khu dân cư điện tử sẽ hướng dẫn tận tình, để người dân có thể thao tác dễ dàng hơn".
Tại “Tổ dân phố điện tử” niêm yết quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cấp thành phố, cấp phường
Cũng theo ông Sơn, để vận hành “Tổ dân phố điện tử” tại tổ dân phố 1, UBND phường đã phát 2.000 tờ rơi hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 đến tận người dân; hướng dẫn, tuyên truyền cho hơn 300 lượt công dân. UBND phường bố trí cán bộ, công chức thuộc thành viên tổ dịch vụ công trực tuyến của phường và các tình nguyện viên hướng dẫn tại “Tổ dân phố điện tử” 1 người/buổi vào các ngày làm việc trong tuần để hướng dẫn cho các tổ chức, công dân đến giao dịch.
Mô hình còn tạo lập cho người dân thói quen giao dịch TTHC trực tuyến. Thói quen ấy chính là tinh thần “công dân điện tử” và là nhân tố quan trọng tạo nên hiệu quả của “chính quyền điện tử”, góp phần giảm thiểu các TTHC cho người dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã