Phân loại rác tại nguồn là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý chất, giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Xác định được điều đó, năm 2019, thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đề án phân loại rác tại nguồn. Bước đầu, đề án phân loại rác tại nguồn đã được triển khai thí điểm tại 4 phường gồm Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang, Trần Phú
Ngay sau khi đề án phân loại rác tại nguồn được triển khai, ban chỉ đạo các phường xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể mà nòng cốt là hội phụ nữ đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: Lắp đặt pa nô, áp phíc chủ đề vệ sinh môi trường ; tuyên truyền về đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tập huấn cho liên đoàn cán bộ, tiểu ban mặt trận các xóm phố và nhân dân về các nội dung về phân loại rác thải, làm phân vi sính từ rác thải hữu cơ…qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường và hình thành nếp sống thân thiện với môi trường.
Từ 2 năm nay, khu vực để rác sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở tổ dân phố 5 phường Nam Hà lúc nào cũng có sẵn 2 thùng rác riêng biệt. Một thùng là dùng để chứa rác dễ phân hủy, thùng còn lại để chứa rác khó phân hủy. Việc phân loại rác theo từng loại đã trở thành thói quen của mọi thành viên trong gia đình bà.
Là 1 trong 4 phường được chọn thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn ở thành phố Hà Tĩnh, phường Nam Hà bắt tay vào thực hiện trong điều kiện nhiều khó khăn do địa bàn có số lượng cơ sở kinh doanh, cho thuê trọ lớn, số hộ đến cư trú này liên tục thay đổi nên việc hướng dẫn, tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, với sự quyết liệt của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nhân dân nên công tác phân loại rác tại nguồn ở phường Nam Hà đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019, tỷ lệ phân loại rác toàn phường đạt 76,3%. Năm 2020, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn toàn phường đạt 76,4%.
Để triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn, ngay từ đầu năm 2019, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân về việc phân loại rác thải, UBND thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với các phường tổ chức cấp phát tren 8000 thùng đựng rác cho các hộ dân. Ngoài ra, các khu vực công cộng như vườn hoa, công viên, hồ điều hòa cũng được trang bị hệ thống thùng rác 2 ngăn để đảm bảo công tác phân loại rác. Năm 2019, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn bình quân tại 4 phường thí điểm đạt 65,3%, trong đó tỷ lệ phòng trọ thực hiện phân loại rác chỉ đạt 3%, khối cơ quan chỉ đạt 14%. Năm 2020, công tác phân loại rác tiếp tục được triển khai tại 4 phường Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang, Trần Phú, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lũ lụt nên tỷ lệ phân loại loại rác tại nguồn bình quân chỉ đạt 57%, giảm 8,3% so với năm đầu thực hiện. Một số phường, tỷ lệ hộ dân tham gia phân loại rác đạt dưới 50%. Nhiều khu dân cư công tác phân loại rác tại nguồn còn bộc lộ nhiều bất cấp, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác đạt thấp.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những khó khăn tồn tại trong công tác tổ chức phân loại rác tại nguồn chính là ý thức của một bộ phận người dân tham gia chưa cao; chính quyền một sô địa phương chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện; sự phối hợp giữa địa phương với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh trong kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ; phương tiện thu gom rác chưa đồng bộ. Hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ còn hạn chế, chưa có đơn giá áp dụng cho rác thải đã được phân loại nên chưa khuyến khích được hộ dân. Đây là những vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương từ thành phố đến cơ sở cần có giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phân loại rác trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, từ năm 2021, đề án phân loại rác tại nguồn sẽ được thành phố Hà Tĩnh triển khai đồng bộ trên tất cả các phường, xã, với mục tiêu tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn ở các phường đạt trên 70%, tại các xã đạt trên 40% và phấn đấu tăng lên 90% trong những năm tiếp theo. Bên cạnh tuyên truyền thay đổi ý thức, TP Hà Tĩnh cũng đang điều chỉnh một số kế hoạch về quy trình thu gom để phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ đầu tư phương tiện phù hợp, thường xuyên kiểm tra, giám sát ở các địa phương. Ở các phường, xã có điều kiện về không gian thì triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. UBND thành phố cũng đề nghị UBND tỉnh cần có các cơ chế chính sách đồng bộ, nhất là quy định đơn giá cho loại rác thải đã được phân loại; xây dựng lộ trình thu giá hợp lý cho từng loại đối tượng và giữa các địa phương.