Đồng chí Đặng Thanh Hải - TUV - Bí thư Thị ủy cùng các đồng chí lãnh đạo thị xã tham quan mô hình sản xuất gạch siêu nhẹ của anh Nguyễn Công Kiên - Đoàn phường Trung Lương
Khát vọng làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Công Kiên đã tìm tòi và mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ ở làng nghề Trung Lương. Sau khi tốt nghiệp ngành xây dựng, anh làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại các công trình trong thời gian hơn 3 năm. Cũng chính trong những tháng ngày thực tế trên công trường, giúp anh Kiên thấy được những tính năng vượt trội của dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ. Đây là loại vật liệu có nhiều ưu điểm như có khả năng cách âm, chịu được nhiệt, được lửa, khả năng chống nóng, chống thấm tốt… Nhận thấy địa bàn Hồng Lĩnh có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nên từ năm 2016, anh Kiên đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết tâm đưa dây chuyền sản xuất loại vật liệu mới này về quê hương mình.
Mặc dù ban đầu còn găp nhiều khó khăn về mặt bằng, thủ tục pháp lý, đặc biệt là vốn nhưng được sự quan tâm của Cấp ủy, chính quyền, các cấp bộ đoàn, nên cuối năm 2018, cơ sở sản xuất gạch siêu nhẹ của anh Kiên đã hình thành với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. Cho tới nay, cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định với công suất tối đa 2.500 viên mỗi ngày, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 6 triệu đồng mỗi người/1 tháng. Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ An Sinh Phát cũng được ra đời từ đó.
Anh Nguyễn Công Kiên - Giám đốc Công ty phấn khởi nói: “Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 3 năm nhưng sản phẩm gạch siêu nhẹ của Công ty đã khẳng định được thương hiệu, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Trong thời gian tới, Công ty có kế hoạch nâng công suất lên 5.000 sản phẩm/ ngày”
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, mô hình sản xuất mộc của đoàn viên Phạm Công Trình ở TDP Thuận An, phường Đức Thuận đã khẳng định được uy tín bằng chất lượng. Các sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường. Với bàn tay tài hoa của người thợ giỏi, mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh làm ra các loại sản phẩm, như bàn, ghế, giường, tủ và đồ dùng phục vụ sinh hoạt. Nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay xưởng sản xuất đồ mộc của anh đã đi vào hoạt động ổn định và cho thu nhập cao.
Anh Phan Thanh Hùng bên đàn thỏ của mình
Đặc biệt mô hình chăn nuôi thỏ của anh Phan Thanh Hùng – Bí thư Chi đoàn TDP Thuận An, phường Đức Thuận. Mô hình được thực hiện trên diện tích gần 100 m2 với quy mô hơn 200 con thỏ giống sinh sản. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng do nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên đàn thỏ phát triển khá tốt. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng 3 tháng thành thỏ thịt và được xuất bán khi đạt trọng lượng bình quân từ 3 - 4 kg/1 con. Kết quả cho thấy: nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác. Từ mô hình đã cung cấp thỏ giống cho nhiều hộ gia đình có nhu cầu chăn nuôi trong tổ dân phố. Trên cơ sở những thành công bước đầu, hiện nay gia đình anh đang có kế hoạch đầu tư mở rộng chuồng trại, xây dựng theo quy trình khép kín, với hệ thống quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động để mở rộng quy mô chăn nuôi lên gấp 4-5 lần. Bên cạnh đó, anh Hùng còn nuôi hơn 100 con gà đẻ trứng,ngan, ngỗng và hàng trăm con chim cút.
Trước đó, vào năm 2018 anh Phan Thanh Hùng đã cho ra mắt mô hình kinh tế thứ nhất là cửa hàng kinh doanh điện nước, gia công cơ khí do anh làm chủ. Hiện 2 mô hình kinh tế của anh Phanh Thanh Hùng cho doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động. Được biết, anh Hùng là một bí thư chi đoàn luôn tâm huyết, nhiệt tình với công việc, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện do các cấp bộ đoàn phát động, đặc biệt là giúp nhiều thanh niên tại địa phương làm kinh tế giỏi.
Mô hình kinh tế dịch vụ sữa chữa thay thế phụ tùng và làm lốp ô tô ở TDP 4, phường Nam Hồng do đoàn viên Phan Tuấn Anh làm chủ cũng đã khẳng định được uy tín với khách hàng. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ, và sự nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng nên anh đã mạnh dạn đầu tư vốn để khởi nghiệp, đặc biệt nêu cao tinh thần phục vụ. Nhờ vậy khách hàng đến với cơ sở ngày càng đông, doanh thu mỗi năm hơn 600 triệu đồng.
Anh: Nguyễn Xuân Sáng - Bí thư Đoàn phường Nam Hồng,cho biết: “Phát huy lợi thế của địa bàn, thời gian qua Đoàn phường Nam Hồng đã khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp,tạo điều kiện để thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm,đồng hành với thanh niên trong phát triển mô hình kinh tế...và đã thành lập được 10 mô hình làm kinh tế có hiệu quả, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên. Đây cũng là nguồn động viên, củng cố tinh thần khởi nghiệp, để đoàn viên thanh niên địa phương vững niềm tin lập thân, lập nghiệp, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương”
Điều đáng ghi nhận là các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được Thị đoàn Hồng Lĩnh tổ chức như: tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tập huấn, hỗ trợ vay vốn, ý tưởng khởi nghiệp... thành lập và ra mắt Câu lạc bộ kinh tế thanh niên gồm 18 thành viên nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp thuận lợi. Đồng thời hỗ trợ thành lập mới 32 mô hình kinh tế thanh niên, 3 doanh nghiệp thanh niên có hiệu quả, mỗi năm kết nối nguồn vốn của TW Đoàn cho thanh niên vay trên 200 triệu đồng... Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn nhận ủy thác quản lý nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách trên 11 tỷ đồng, từ đó đã cho vay, giải quyết việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên.
Mô hình kinh tế dịch vụ sữa chữa thay thế phụ tùng và làm lốp ô tô ở TDP 4, phường Nam Hồng do đoàn viên Phan Tuấn Anh làm chủ
Sự thành công của mô hình kinh tế trong câu lạc bộ thanh niên xây dựng kinh tế đã có sức lan tỏa lớn, tạo nên phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niên, đồng thời khuyến khích, cổ vũ thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, góp phần cùng địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Thông qua các mô hình, các CLB khởi nghiệp cũng tạo niềm tin, góp phần giúp đoàn cơ sở thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn.Anh Phan Văn Đường - Bí thư Thị đoàn Hồng Lĩnh, cho biết: “Thời gian tới, Thị đoàn Hồng Lĩnh tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình thanh niên khởi nghiệp, hình thành trong mỗi ĐVTN ý thức và cách thức khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường kết nối với các nguồn vốn, quỹ đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp cho ĐVTN, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm trong những người trẻ, tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để có những định hướng, tư vấn tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm... tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài địa bàn nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế”
Có thể thấy rằng, việc xây dựng các mô hình Câu lạc bộ, hội nhóm cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn đang được nhân rộng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã