Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vùng tái định cư ở TX Kỳ Anh thời gian qua được các đơn vị liên quan rất mực quan tâm. Cũng chính trên vùng đất này, cách đây không lâu đã có một HTX may và dịch vụ tổng hợp được hình thành, nhưng do nhiều lý do khách quan nên đã không tồn tại được. Không “đầu hàng”, Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các cấp, đoàn, hội… đã tìm ra “nguồn sáng” khi đi tham khảo mô hình HTX May Thuận Phát tại Kỳ Lâm, do chị Trần Thị Thuận làm giám đốc.
Hiện nay, HTX May Thanh Thủy giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập khá ổn định. |
Chị Thuận đã nhận lời thành lập thêm HTX May Thanh Thủy trên vùng tái định cư Kỳ Phương. “Hơn 50 tuổi, vẫn tự mình đi tìm thị trường, quản lý hoạt động của HTX nên khi quyết định thành lập thêm một HTX, tôi đã xác định đây là việc làm rất khó khăn. Nhưng, được sự ủng hộ của chính quyền, đặc biệt hơn, khi về đây, thấy nhu cầu việc làm của chị em rất lớn, ở họ có sự mong chờ, trông ngóng nên bỏ qua hết ngại ngần, tôi đã thành lập HTX May Thanh Thủy vào tháng 6/2015” - chị Thuận chia sẻ.
Mặc dù mới đi vào hoạt động gần 4 tháng, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nhưng những kết quả bước đầu của HTX May Thanh Thủy đã được ghi nhận. Đặc biệt, sự phấn khởi trên gương mặt mỗi chị em công nhân là điều thấy rõ. Chị Vân (công nhân may) chia sẻ: “Trước đây, chị từng là thợ may nhưng khi chuyển lên vùng tái định cư chưa thể mở lại tiệm. Nay, HTX may được thành lập, chị xin vào làm, vừa giúp mình giữ nghề, vừa có thêm thu nhập nên rất phấn khởi”.
Khi chúng tôi đến thăm, các công nhân vẫn miệt mài với những đường kim, mũi chỉ, chú tâm vào sản phẩm mình làm. Trong khi đó, giám đốc Trần Thị Thuận vẫn một mình một “ngựa chiến” (xe máy) đi liên hệ thị trường, tìm đơn hàng cho chị em. Vừa đi một quãng đường gần 100 km để tìm mối hàng, về đến HTX, chị Thuận quên hết mệt nhọc thông báo cho chị em: “Nhận thêm đơn hàng trong tuần này nhé, tháng này, lương ăn theo sản phẩm rồi đấy, chị em cố gắng lên”.
“Hiện nay, HTX đang được phường cho mượn một trụ sở cũ rộng gần 1.500 m2 để làm cơ sở sản xuất. Bước đầu, với hơn 20 máy may, các loại máy vắt sổ, máy in… và thị trường ở TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh nên chỉ mới giải quyết việc làm cho trên 20 người. Những tháng đầu, chủ yếu cho chị em làm quen với công việc nên hỗ trợ mỗi người 2-2,5 triệu đồng. Tôi đang liên hệ với các trường học để may đồng phục, các công ty trong KKT Vũng Áng để may đồ bảo hộ lao động.… Nếu thuận lợi thì công việc sẽ rất nhiều nên HTX đang xin chính quyền các cấp tạo điều kiện cho thuê đất để mở rộng sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho chị em” - chị Thuận cho biết thêm.
Nói về HTX May Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương - Lê Văn Chương phấn khởi: “Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX như “ngọn gió lành” thổi về miền đất mới này và đã tạo được niềm tin cho người lao động. Với tinh thần tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển của HTX, thời gian tới, phường sẽ luôn đồng hành cùng HTX, trước mắt là tích cực giải quyết vấn đề cho thuê đất để HTX yên tâm sản xuất”.
Theo Thành Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã