Lễ cầu ngư diễn ta tại khu vực miếu Ngư ở thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh. Ảnh Thu Trang
Do địa bàn sinh sống men theo bờ biển, điều kiện sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào con thuyền, tấm lưới, đánh bắt hải sản trên biển, thu hoạch thất thường, hiểm nguy luôn rình rập. Trước biển cả bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, người dân Kỳ Ninh thấy mình nhỏ bé, luôn khát vọng biển khơi gió lặng, sóng yên, nên họ ước mơ có những vị thần linh che chở cho họ cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tàu bè ra khơi vào lộng tôm cá đầy thuyền. Từ đó hình thành nên truyền thống tín ngưỡng trong nhân dân và lập nên ở đây một hệ thống chùa, miếu, phủ để thờ cúng các vị thần liên quan đến biển cả và tổ chức lễ Cầu Ngư hàng năm để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng và đời sống của ngư dân.
Ông Hoàng Quốc Thảnh - Trưởng thôn Tam Hải 2 cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi luôn được thế hệ đi trước dạy rằng, việc thờ cúng đức Ngư Ông nhằm bày tỏ lòng biết ơn vì ngài đã cứu giúp chúng tôi qua những cơn hoạn nạn trên biển. Vì thế, ai cũng dành tâm thành kính cho đền thờ Đại Thần Ngư của làng. Không chỉ dâng lễ vật vào dịp giỗ ngài, bà con còn đồng lòng quyên góp để thường xuyên trùng tu, tôn tạo đền thờ và lăng mộ”.
Tương truyền, miếu Ngư ở làng Tam Đồng xưa (nay là thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) được xây dựng cách đây hàng trăm năm, là nơi chôn cất cá thể cá Ông trôi dạt vào vùng biển Kỳ Ninh trong nhiều năm qua. Là nơi thờ các vị thần canh giữ biển, ngôi miếu có vị trí hướng mặt ra cửa biển với kiến trúc khá độc đáo. Theo thông lệ hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, các cụ cao niên trong làng sẽ chọn ra một ngày đẹp nhất trong tháng tiến hành lễ cầu ngư. Chọn tháng 3 âm lịch làm lễ, bởi đây là thời điểm sau tiết Thanh minh, trời biển an hòa nhất, phù hợp với việc tế lễ cầu ngư.
Mở đầu buổi lễ, người trong làng chọn ra 1 vị chủ tế là người có đức độ, con cháu đề huề, làm ăn thuận lợi, mọi người kính yêu. Chủ tế tới ngôi miếu trong làng là nơi chôn cất cá voi chết trôi dạt vào đây, làm lễ cúng các vị thần biển. Sau khi làm lễ, chủ tế cùng các vị trưởng lão ra biển lấy nước, rồi rước nước về trước cửa biển để làm lễ. Kế đó các con cháu làm nghề đi biển ở các vùng Tân Thắng, Tam Hải 1, Tam Hải 2, Tân Tiến, Tiến Thắng, Hải Hà…mang lễ vật tới cúng các vị thần biển cầu mong cho trời yên biển lặng; đánh bắt được nhiều hải sản và bình an cho người, phương tiện trong mỗi chuyến ra khơi.
Miếu Ngư ở thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh. Ảnh Thu Trang
Lễ cầu ngư của ngư dân xã Kỳ Ninh được tổ chức tại 4 điểm cúng lễ. Điểm đầu tiên là đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, tiếp đó là tại miếu Sát Hải (dưới chân núi Cao Vọng, Kỳ Ninh), lễ cúng ngoài khơi xa cách bờ vài hải lý và cuối cùng lễ lớn được tổ chức tại miếu Ngư ở thôn Tam Hải 2. Tất cả các buổi lễ phải diễn ra từ sáng sớm kéo dài tới buổi trưa. Vật phẩm cúng lễ được bài trí gần gũi với văn hóa của ngư dân ven biển.
Về với Lễ Cầu Ngư là dịp để cộng đồng cư dân ven biển Kỳ Ninh tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần linh đối với đời sống của họ. Đồng thời người dân gửi gắm vào đó những nhu cầu khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, với mong muốn được gió lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc, nhân khang vật thịnh. Đồng thời cũng giúp con người trở nên hòa hợp, gần gũi nhau hơn, trật tự đời sống xã hội được nhắc nhở, những mỹ tục được khơi dậy cùng với lòng nhân ái, vị tha được củng cố, xóa đi ranh giới giàu nghèo, tạo thành sức mạnh trong cộng đồng làng xã.
Là xã vùng biển có nhiều di tích văn hóa, Kỳ Ninh có nhiều lễ hội với những nghi thức tâm linh độc đáo, phản ánh rõ nét đời sống tinh thần phong phú của cư dân vùng biển. Ngoài lễ Cầu ngư, trên địa bàn còn có các lễ hội quan trọng là Lễ hội đền Chế thắng phu nhân, lễ thay khoán, lễ tế thần cá Voi… ở các di tích như: đền thờ Sát hải tướng quân, miếu thờ Cá Ông, miếu Thánh Mẫu Càn vương, miếu thờ thần cá Voi, đền Bàn Thổ…Tất cả đều mang đặc trưng riêng của cư dân vùng biển. Điều đáng mừng là dù trong thời kỳ hội nhập, ở nhiều địa phương, các lễ, hội, trò chơi dân gian đã bị mai một do nếp sống, nếp sinh hoạt thay đổi, song ở Kỳ Ninh, các nghi thức và một số trò chơi truyền thống vẫn được chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân duy trì và phục dựng, nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống ở xã vùng biển này đang được bảo tồn, phát huy, “Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị nâng cấp lễ cầu ngư thành hoạt động lễ hội để thu hút khách du lịch tham quan" - ông Trần Ngọc Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thông tin.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã