Quây quần lại bên chén chè xanh, câu chuyện mưa lũ, những ngày xông pha cứu giúp bà con thoát lũ an toàn vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí của những người ngư dân nơi đây.
Chiều 19/10, hàng trăm lời kêu cứu của bà con vùng Lãi (3 TDP Cảnh Trường, Trường Yên và Trường Phú) tràn ngập trên mạng xã hội. Nước lũ lên nhanh khiến nhiều gia đình ngập chìm trong biển nước. Người già, trẻ em và cả phụ nữ mang thai, tất cả đều cần ứng cứu kịp thời.
Ngay trong chiều 19 và sáng 20/10, 15 chiếc chiếc thuyền của ngư dân TDP Tây Yên với hơn 70 người đã vượt lũ dữ cùng với lực lượng chức năng tiếp cận các địa bàn ngập sâu, sơ tán hàng trăm người dân ở 3 TDP Kỳ Thịnh đến nơi an toàn. Đây là tiền lệ chưa bao giờ có, bởi tàu thuyền là tài sản quan trọng, là công cụ để ngư dân mưu sinh hằng ngày.
Anh Hoàng Văn Diễn (SN 1987, TDP Tây Yên, Kỳ Thịnh) là một trong những ngư dân đầu tiên tham gia cứu hộ, cứu nạn khi nước lũ dâng cao. Anh kể lại: “Lúc đó, mình không nghĩ đến bản thân nữa, chỉ nghĩ cứu người phải như cứu hỏa. Anh em chúng tôi kêu gọi nhau đưa thuyền vào, sẵn sàng xả thân để cứu bà con. Chúng tôi được mọi người gọi vui là đội thuyền “0 đồng” bởi chúng tôi tôi giúp đồng bào mình bằng cái tâm, không có chi phí gì cả. Dù thời điểm đó, hay sau này nếu trong trường hợp đồng bào mình cần ứng cứu, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng…”.
Là người trực tiếp huy động các tàu thuyền của ngư dân và lập thành một đội với khoảng 15 chiếc thuyền đi cứu hộ, anh Dương Văn Sâm (SN 1971, TDP Tây Yên) nhớ lại: " Thời điểm đó, các lực lượng chức năng đều đang căng mình ứng cứu cho bà con. Chúng tôi là người dân quen với sóng nước, nên giúp được bà con ở vùng ngập sâu không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình người. Riêng nhà tôi, 3 cha con đều đi hết. Anh em nhà nào có ghe đều sẵn sàng xung phong ứng cứu, có lúc không kịp ăn uống gì. Không chỉ hai ngày cao điểm là 19 và 20/10, những ngày sau đó, anh em đều phân công nhau đưa các đồ tiếp tế của chính quyền và các nhóm thiện nguyện kịp thời trao tận tay bà con …".
Những bữa cơm ăn vội vàng trên thuyền, để tận dụng thời gian cứu trợ bà con lại khiến anh Hoàng Văn Quang (SN 1998, TDP Tây Yên) không thể nào quên: “Có ngày đi từ sáng đến 10 giờ đêm mới ăn. Vừa nguy hiểm, vừa vất vả như thế nhưng thấy bà con đang cần mà mình không đi là ngủ không được. Dù vất vả nhưng nghĩ về những người dân còn mắc kẹt đang chờ tiếp tế thì anh em chúng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng…”.
Không chỉ ngư dân Tây Yên mà nhiều ngư dân ở các vùng Kỳ Lợi, Kỳ Ninh đều hạ thuyền tìm về những địa chỉ cần ứng cứu. Kinh nghiệm đi biển lâu năm, họ hiểu được con nước và biết cách xử trí trong những trường hợp khẩn cấp. Khi nước lũ dần xuống, họ lại tham gia tiếp tế lương lực, thực phẩm, nước uống cho bà con. Các đội thuyền khi tham gia cứu hộ đều hoạt động chuyên nghiệp. Họ phối hợp với lực lượng chức năng và người dân trong vùng lũ để công tác cứu hộ được hiệu quả, đồng thời cử người trực ứng cứu để điều phối thuyền về những nơi khẩn cấp.
Trong thời khắc sinh tử, các anh chưa kịp nhận được lời cám ơn, chưa kịp nhìn mặt, hỏi tên những người mình đã cứu sống. Người kẻ biển bao giờ cũng thế, luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau bất kể hoàn cảnh nào. Trên biển, họ sát cánh cùng nhau để bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi thiên tai, bão lũ ập đến, họ kiên cường, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, tất cả vì nghĩa đồng bào.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã