Học tập đạo đức HCM

Thị xã Kỳ Anh điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Thứ năm - 15/07/2021 09:30
Với nhiều tiềm năng và lợi thế ở phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh đã khẳng định là đô thị hạt nhân, từng bước trở thành trung tâm kinh tế động lực của khu vực Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Từ vùng đất “ống gió, chảo lữa, túi mưa” đến nay, thị xã Kỳ Anh đã trở thành đô thị loại 3 và đang hướng tới trở thành thành phố trong tương lai gần.

Ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 903/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập thị xã Kỳ Anh. Đến ngày 10/7/2020, thị xã Kỳ Anh đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Sau 6 năm thành lập, thị xã Kỳ Anh đã phát triển vượt bậc với nhiều chỉ số kinh tế ấn tượng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và xây dựng. Kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô nền kinh tế từ 17.502,5 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 37.045,4 tỷ đồng năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 15,05%. Tổng nguồn lực đầu tư trên địa bàn đạt 143.301 tỷ đồng. Thu nội địa đến năm 2020 ước đạt 247,6 tỷ đồng. Công tác quản lý quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản được quan tâm, đổi mới, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn có 139 dự án còn hiệu lực, trong đó có 82 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 52.395,814 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13,5 tỷ USD. Thị xã Kỳ Anh đã và đang có nhiều lợi thế và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh tư liệu

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh tư liệu

            Lợi thế nguồn nhân lực

Khu kinh tế Vũng Áng tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân lao động

Thị xã Kỳ Anh có nguồn nhân lực dồi dào với số lượng 70.500 người, chiếm gần 70% dân số. Người Kỳ Anh hiếu học, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Trên địa bàn thị xã có 3 cơ sở đào tạo nghề gồm: Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trường dạy nghề tư thục và Cao đẳng Công Nghệ Hà Tĩnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%.

           Lợi thế tài nguyên biển

Vẻ đẹp bên bờ biển Hoành Sơn

Tiềm năng du lịch biển ở thị xã Kỳ Anh

Với bờ biển dài 40 km, thị xã Kỳ Anh có những lợi thế to lớn nhất là trong đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch biển. Bờ biển thị xã Kỳ Anh nhiều rạn ngầm, eo, vũng với các loại hải sản có giá trị, trữ lượng lớn. Ngoài các loại thông thường, có nhiều đặc sản: tôm sú, tôm hùm, mực, rong biển…

            Lợi thế về quy hoạch vùng kinh tế

Khu công nghiệp Phú Vinh

Theo Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị xã Kỳ Anh sẽ trở thành đô thị công nghiệp với tính chất là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế: du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp.

           Khu kinh tế Vũng Áng là Khu kinh tế trọng điểm của cả nước.

Khu Kinh tế Vũng Áng có diện tích 22.781ha, với địa thế thuận lợi, hạt nhân là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ), cho phép tàu có tải trọng từ 30 - 50 vạn tấn cập bến… Ngoài ra, cảng Vũng Áng còn là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào và Thái Lan. 

Nhà máy Nhiệt điện 1 cảng Vũng Áng

Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 137 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 80 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 51.690 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 13,569 tỷ USD.

Bên cạnh lĩnh vực gang thép, nhiệt điện, thời gian gần đây, một số nhà đầu tư lớn trên thế giới đã và đang khảo sát, tìm hiểu để đầu tư các lĩnh vực liên quan cảng biển và logistics, điện khí, sản xuất, lắp ráp ô tô …

Luyện cán thép tại Công ty TNHH gang thép Formosa Hà Tĩnh

Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Trung bình mỗi năm, KKT Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh.

Quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500 tại Khu kinh tế Vũng Áng thuộc quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với mục tiêu đến năm 2035 là Trung tâm logistics phục vụ không chỉ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.

Cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa

Trung tâm Logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương sẽ là cơ sở để Hà Tĩnh xác định mô hình đầu tư quản lý kinh doanh Trung tâm, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và khai thác Trung tâm logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương, thúc đẩy hoạt động của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, từ đó góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển.

            Lợi thế về giao thông

Hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh

Hệ thống giao thông thuận lợi, nằm giữa 02 sân bay quốc gia, cách sân bay Vinh 100Km; cách sân bay Đồng Hới 60km; Các tuyến giao thông chính của quốc gia đều chạy qua, tuyến Bắc - Nam có Quốc lộ 1A, đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc Bắc Nam đã được quy hoạch và xây dựng; tuyến Đông - Tây và Quốc lộ 12 bắt đầu tại cảng Vũng Áng đi Cửa khẩu Chalo tỉnh Quảng Bình sang Lào và Thái Lan. Hiện tại thị xã Kỳ Anh có 01 bến xe khách chuyên dụng, 01 trạm đăng kiểm xe cơ giới.

Trên địa bàn có Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương lớn nhất Việt Nam đủ điều kiện cho tàu 300.000 tấn hoạt động. Cảng nước sâu Vũng Áng nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ngắn nhất thông ra các hải cảng quốc tế của khu vực Miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Là động lực cho sự hợp tác giữa đầu tư quốc tế, cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.

          Lợi thế về các dự án, khu công nghiệp trọng điểm

Với sức hấp dẫn nội tại cùng nỗ lực thu hút đầu tư của hệ thống chính trị, hiện nay toàn thị xã có 139 dự án có hiệu lực, gồm 82 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 52.395,814 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký 13,5 tỷ USD. Đây là lợi thế quan trọng nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, thương mại, dịch vụ. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã như Formosa (Đài Loan); Mitsubishi (Nhật Bản)… trong nước có Tập đoàn dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Vingroup… với các dự án trọng điểm Trung tâm Thương mại Vincom, Trung tâm tiệc cưới Shatico, dự án Khách sạn Happpy, Cầu cảng số 3,4,5,6 Cảng Vũng Áng, dự án gia công cấu kiện thép tại Khu công nghiệp Phú Vinh, dự án Nhà máy chế biến lâm sản An Việt Phát…

Các dự án đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng

Dự án Khu liên hiệp Gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương là dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 12,8 tỷ USD.

Các hạng mục công trình chính của dự án đã đi vào vận hành. Đặc biệt khu luyện gang thép đã cung cấp ra thị trường sản phẩm thép cuộn cán nóng, sản phẩm lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam là sản phẩm quan trọng nhất trong ngành sản xuất thép, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp nặng khác.

Cảng nước sâu Sơn Dương là cảng nước sâu hiện đại và lớn nhất Việt Nam với 11 cầu cảng (giai đoạn 1) có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 30 vạn tấn; Nhà máy nhiệt điện có tổng công suất giai đoạn 1 là 650MW với 5 tổ máy phát điện.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư, vốn đầu tư 1,56 tỷ USD đã hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia tháng 12/2013.

Nhà máy Nhiệt Điện 1 Vũng Áng về đêm

Khu công nghiệp Phú Vinh với diện tích trên 200 ha đã có 4 doanh nghiệp FDI thuê đất đầu tư vào các lĩnh vực như: Xử lý và tái chế các phụ phẩm ngành thép và phát điện; sản xuất vật liệu chịu lửa, chịu nhiệt; sản xuất, gia công, lắp đặt, chế tạo máy móc cơ khí, chi tiết máy... với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.

          Lợi thế về kết cấu hạ tầng

Hạ tầng cấp điện của thị xã cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân đô thị với đầy đủ hệ thống lưới điện cao thế 220kV 110kV, trung thế 35kV 10kV và hạ thế 0.4kV. Ngoài ra, hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được xây dựng trên các trục đường chính (tổng số km tuyến phố chính được chiếu sáng khoảng 69,1 km).

Hệ thống cấp nước: Hiện tại, thị xã Kỳ Anh đã xây dựng một số nhà máy nước sạch như: Nhà máy nước sạch Vũng Áng 1, công suất 9.000 m3/ngđ; nhà máy nước sạch Vũng Áng 2, công suất 9.000 m3/ngđ tại khu vực đồi thuộc xã Kỳ Hoa, sử dụng nguồn nước thô từ hồ Kim Sơn; Nhà máy nước Hoành Sơn công suất 40.000m3/ngđ cấp nước cho Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Hệ thống ngân hàng: Trên địa bàn có khá nhiều điểm giao dịch, chi nhánh của hầu hết ngân hàng lớn: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, CoopBank... cơ bản đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp, thuận lợi cho các giao dịch kinh tế.

Hoạt động giao dịch các ngân hàng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh

Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: Có 3 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, FPT) cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng di động (VNPT, Viettel, Mobifone, Vietnamobile, Gtel). Cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet chất lượng tốt với giá cước phù hợp, gần như phổ cập đến mọi người dân.

Mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát hoạt động rộng khắp, 100% số xã, phường có điểm phục vụ bưu chính với tổng 16 điểm giao dịch. Trong đó 10 điểm Bưu điện văn hóa xã.

        Lợi thế về Du lịch

Thị xã Kỳ Anh có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng quốc gia như đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, Đền Eo Bạch; có các bãi biển đẹp như Kỳ Ninh, Hoành Sơn, hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển ngày càng được thị xã, tỉnh quan tâm đầu tư, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng ngoạn và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

Các công trình hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn thị xã Kỳ Anh

Khu ẩm thực mực nhảy Vũng Áng

Trên địa bàn thị xã có 58 khách sạn, 134 nhà hàng kinh doanh ăn uống, 34 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có một số cơ sở nổi bật, hoạt động có hiệu quả như Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Trường Thọ, Khách sạn Happy, các nhà hàng bè nổi Vũng Áng…

Với những tiềm năng to lớn cùng với những chính sách hợp lý, thị xã Kỳ Anh đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư./.

 

https://thixakyanh.hatinh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập161
  • Hôm nay36,116
  • Tháng hiện tại116,684
  • Tổng lượt truy cập91,290,413
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây