Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,36%, cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%), nhưng lại thấp hơn so với 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất 1,08%, nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%), nên đã kéo tốc độ tăng của ngành xuống thấp. Những tháng đầu năm 2015, ngành trồng trọt bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và khả năng còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.
Trước khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản , Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Do vậy, tiêu thụ của nhiều loại nông sản được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn năm trong số 12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là: chè, cao-su, gạo, cà-phê, thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp sáu tháng ước đạt 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2014; tăng nhiều nhất là hạt điều thô (tăng 2,1 lần), ngô tăng 20,7%, phân bón tăng 12,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,05 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ.
Một tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp và chăn nuôi. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Năm nay dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, không có dịch lớn xảy ra, đồng thời giá thức ăn chăn nuôi và giá đầu ra các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi nên chăn nuôi phát triển tốt. Vấn đề tái cơ cấu ngành đang có những chuyển biến rõ nét, nhất là việc tăng cường quản lý giống và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín vào lĩnh vực chăn nuôi. Theo số liệu thống kê, ước tổng đàn bò tăng 2,7% (riêng đàn bò sữa đạt 253,7 nghìn con, tăng 26,5%); sản lượng sữa tươi ước đạt 355,2 nghìn tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết: “Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp đạt 8,3% - mức tăng tốt nhất trong những năm vừa qua. Khả năng cả năm lĩnh vực lâm nghiệp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10%”. Thời tiết khá thuận lợi cộng với công tác chuẩn bị giống, hiện trường thực hiện tốt, nên kết quả trồng rừng đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 6, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 85 nghìn ha, tăng 19%, diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 360 nghìn ha, tăng 16,2%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 604,7 nghìn ha, rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4.805,2 nghìn ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.470 nghìn m3, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với lĩnh vực thủy sản, thời tiết và ngư trường thuận lợi, cộng với giá hải sản nguyên liệu tương đối ổn định, đã kích thích ngư dân tăng cường khai thác thủy sản. Sản lượng 6 tháng ước đạt 1,496 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014. Đối với hoạt động nuôi trồng, do phải đối mặt với tình hình thời tiết nắng nóng bất thường và những khó khăn về thị trường tiêu thụ nên sản lượng các mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra) giảm so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm đạt 236 nghìn tấn, giảm 2,5%. Tuy nhiên, các loại đối tượng nuôi khác (cá rô phi, nhuyễn thể,…) vẫn tăng, nên sáu tháng đạt khoảng 1,574 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm ước đạt 3,071 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Nói về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Hiện nay, thời tiết ở vùng nuôi đã thuận hơn nên sẽ thúc đẩy nuôi tôm chân trắng, tôm sú trong những tháng cuối năm. Đặc biệt với mô hình lúa – tôm với diện tích 200 nghìn ha, chúng ta hoàn toàn có thể nâng năng suất lên nuôi tôm sú lên để tạo đà tăng trưởng cho ngành. Dù vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, ngoài việc thúc đẩy sản xuất, chúng ta cần dành nguồn lực nghiên cứu kỹ những yếu tố tác động đến sự suy giảm xuất khẩu của mặt hàng thủy sản thời gian vừa qua, từ vấn đề tỷ giá, nguồn cung, sức mua… để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành trong những năm tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Để thực hiện yêu cầu của Chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong những tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành là rất lớn, cần sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong triển khai các chính sách, giải pháp toàn diện để hoàn thành kế hoạch đề ra của năm nay, góp phần vào tăng trưởng của cả nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, triển khai quyết liệt Tái cơ cấu trên các lĩnh vực phục hồi đà tăng trưởng ngành. Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng như sáu tháng vừa qua, nhưng phải nỗ lực thêm, gia tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng. Giá trị gia tăng sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm nay là 2,4%, tương đương khoảng 12 nghìn tỷ đồng, nên những tháng cuối năm chúng ta phải làm ra thêm 22 nghìn tỷ đồng thì nông nghiệp sẽ tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ.
Minh Anh
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã