Cung không đủ cầu
Chị Hoàng Thị Long, trưởng nhóm trồng rau hữu cơ xóm Trại Hòa (xã Hòa Hợp, Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ, chị bắt đầu áp dụng mô hình trồng rau hữu cơ từ năm 2010, đến nay nhóm đã có 2,7ha áp dụng mô hình này với 19 hộ tham gia. Công ty Tâm Đạt (Hà Nội) lên ký hợp đồng thu mua rau của bà con với giá 11.000 đồng/kg. Có đầu ra ổn định bà con yên tâm sản xuất.
Đến nay, thị trường của nhóm sản xuất rau hữu cơ Trại Hòa ngày càng rộng mở, mỗi tháng nhóm cung cấp ra thị trường 1,5 - 1,7 tấn rau, thu nhập của mỗi hộ tham gia nhóm dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng tùy từng hộ. Hiện nhóm đang có dự định mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên 8ha, và đang trong quá trình xây dựng hạ tầng.
Ảnh minh họa |
Còn theo chị Hoàng Thị Thức (thôn Đồng Xương, xã Thành Lập, Lương Sơn, Hòa Bình), tuy mới thành lập năm 2016 nhưng nhóm sản xuất rau hữu cơ Nà Lều của chị đã có 8 thành viên với diện tích canh tác 6.500 m2. Hiện rau của nhóm được cửa hàng rau hữu cơ Bác Tôm (Hà Nội) thu mua với giá ổn định 15.000 đồng/kg.
Các DN cũng nhận thấy thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ đang phát triển rất mạnh. Công ty Viễn Phú nằm gần U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) với diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ 220ha (2 vụ/năm), nuôi trồng thủy sản hữu cơ 30ha (1 vụ/năm), rau hữu cơ 50 ha (số cây/năm). Toàn bộ quá trình canh tác bao gồm: nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ, chế biến, bao bì đóng hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Hiện, các sản phẩm của Viễn Phú đã được tiêu thụ tại các cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, công ty còn xuất khẩu ra các thị trường như Đức, Anh, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Nga… Đại diện công ty cho biết, sản phẩm làm ra nhiều khi cung không đủ cầu.
Theo PGS. TS. Lê Văn Hưng - Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam cho biết: NNHC tại Việt Nam đang trên đà phát triển tốt, từ năm 2010 cả nước có 21.000 ha NNHC, đến năm 2014, con số này đã tăng lên 43.010 ha, tăng 2,05 lần so với năm 2010.
Hiện nay, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta đạt hơn 43.010 ha, và tập trung chủ yếu tại các tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng… Nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm NNHC được xuất bán ra các thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… là rất cao với giá bán cao gấp 3- 4 lần so với nông sản bình thường.
Cần có chính sách cho phát triển NNHC
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh triển khai sản xuất NNHC không chỉ góp phần đem lại nguồn cung hàng hóa là các nông sản, thực phẩm an toàn cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân tại các thành phố lớn mà còn đem lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp đó chính là việc cải tạo lại chất lượng đất canh tác, đảm bảo độ phì nhiêu của đất, nâng cao khả năng dinh dưỡng cho đất và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón…
Ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, phát triển NNHC của Việt Nam vẫn mang tính tự phát. Chúng ta vẫn chưa có vùng quy hoạch nào và cũng chưa chỉ ra vùng nào là vùng ưu thế, đối tượng để sản xuất nông sản hữu cơ. Cơ chế chính sách sản xuất hữu cơ chưa có.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho rằng, sản xuất NNHC hiện đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ, vốn đầu tư lớn, đối tượng phục vụ mới chủ yếu là người dân thu nhập cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ khi đưa ra thị trường…
Về phía DN thì lại có nhận định, thị trường không phải là trở ngại lớn nhất của phát triển NNHC bởi các sản phẩm sạch, an toàn ngày càng được ưa chuộng, cái khó là ở chỗ chúng ta chưa có hệ thống chính sách đủ mạnh để khuyến khích các DN tham gia làm NNHC.
Đặc biệt, trở ngại lớn nhất của việc mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ là việc thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân không hề đơn giản. Các DN kiến nghị, cần tạo cơ chế cho các đơn vị chứng nhận hoạt động hiệu quả, bởi việc truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm hữu cơ rất quan trọng. Ngoài ra, cần có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đấy cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng chuyên canh cho sản xuất hữu cơ.
Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, về lộ trình, để nông dân thích ứng dần với kỹ thuật sản xuất hữu cơ, họ cần được trải qua quá trình sản xuất theo VietGAP, tiến tới GlobalGAP và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh đó, nhà nước cần dựa vào kết quả nghiên cứu lợi thế so sánh, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sản xuất và nhu cầu thị trường, từ đó xác định sản phẩm nông sản chiến lược nói chung và nông sản được sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ nói riêng cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, trên phạm vi quốc gia. Đó chính là cơ sở để quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện liên kết vùng giữa các tỉnh trong mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.
Trường Sơn
Nguồn: thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã