Đối với sản xuất nông nghiệp nông hộ, có thể coi ngành chăn nuôi như là "nhà máy chế biến" các sản phẩm phụ trồng trọt mà con người không ăn được (rơm cỏ, thân, lá, rễ, hạt) hoặc sản phẩm phụ có dinh dưỡng thấp (cám, bã...) để tạo ra những sản phẩm cao cấp, đó là thịt, trứng, sữa... Chính sự liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi đã tạo nên sức mạnh để chăn nuôi nông hộ tồn tại đến ngày nay.
Sinh kế của người dân
Từ sau khi bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 (2003) những năm gần đây ít nghe nói đến chăn nuôi nông hộ. Chăn nuôi nông hộ được cho là manh mún với nhiều cái xấu, nhất là liên quan đến dịch bệnh. Tuy vậy, vị trí của chăn nuôi nông hộ vẫn chưa dễ thay thế ngay vì nó còn gắn chặt với sinh kế của 70% số nông dân, từ đó tạo nên hơn 60% lượng thực phẩm cho xã hội. Bên cạnh đó, nhờ chăn nuôi nông hộ mà hàng chục triệu người có thêm công ăn việc làm.
Vậy nhìn nhận chăn nuôi nông hộ như thế nào cho đúng và nên hỗ trợ thế nào để không mâu thuẫn với đường lối công nghiệp hóa ngành chăn nuôi?
Nhà nước đã có hàng loạt chính sách đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, mà rõ nhất là tổ chức chăn nuôi trang trại, bởi không thể tiến lên công nghiệp hóa mà nông nghiệp hay hẹp hơn là chăn nuôi vẫn manh mún trong quy mô sản xuất nhỏ, năng suất thấp. Tuy quá trình công nghiệp hóa ngành chăn nuôi mới ở những bước đầu, nhưng nhiều trang trại đã được xây dựng và làm ăn hiệu quả, lực lượng lao động ở nông thôn có sự chuyển biến, tỷ lệ nông dân trong số dân giảm dần, phần lớn thanh niên đã rời nông thôn ra thành thị kiếm sống. Ở nông thôn, một số nông dân có điều kiện đã tổ chức các trang trại chăn nuôi với quy mô tương đối lớn. Nhưng do cái nghèo, lại thêm khủng hoảng kinh tế cho nên quá trình phát triển trang trại chậm, không đạt như mong muốn. Rõ ràng, để có một trang trại quy mô phải đầu tư tiền tỷ, điều mà những hộ nông dân bình thường không có được và Nhà nước cũng không có khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng lớn và nhiều như vậy.
Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ
Chăn nuôi nông hộ đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi hiện nay và sẽ duy trì trong một thời gian dài, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho xã hội mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu khẩn trương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi nông hộ: nâng cao chất lượng đàn giống trong sản xuất đại trà, chú ý bò lai, lợn lai, gà thả vườn có năng suất tốt; giảm giá thành thức ăn và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ; đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, bảo vệ môi trường, theo hướng chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững. Chủ trương này chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của đông đảo nông dân, bởi bỏ quên chăn nuôi nông hộ lúc này là lãng phí sức lao động, lãng phí tài nguyên, làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội (cả tinh thần lẫn vật chất).
Chăn nuôi nông hộ trên phương diện nào đó vẫn còn những ưu điểm: ruộng đất, chuồng trại cơ bản đã có, lực lượng lao động là người trong nhà không phải đi thuê, quy mô sản xuất dù nhỏ nhưng thị trường nằm ngay tại địa phương. Do quy mô nhỏ nhưng nếu ý thức người nuôi được nâng lên thì vấn đề môi trường cũng có thể giải quyết được. Bên cạnh đó, kinh tế nông hộ là một khối thống nhất giữa trồng trọt và chăn nuôi, giúp sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao hiệu quả và tránh bớt rủi ro. Nếu tách khỏi sự thống nhất giữa cây trồng và vật nuôi, người chăn nuôi sẽ mất đi lợi thế và việc họ không mặn mà với đồng ruộng nữa là chuyện dễ hiểu.
Chúng ta có thể làm nhiều việc để hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ mà không tốn kém nhiều, nếu so với cái lợi nó đem lại. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không phải chăn nuôi nông hộ chỉ dừng ở nhỏ lẻ, manh mún mà sẽ được phát triển hơn trên cơ sở nông hộ khi có điều kiện (như ở các nước châu Âu hiện nay). Điều lo sợ nhất của nông dân là dịch bệnh. Nhà nước có thể và cần giúp họ nâng cao kiến thức về thú y, hỗ trợ họ trong việc tiêm phòng đúng lịch với những loại vắc-xin có chất lượng và miễn phí hoặc giảm giá. Nhà nước cần quan tâm đến các giống vật nuôi bản địa tốt trong quỹ gen vật nuôi, hỗ trợ mạnh mẽ việc bảo tồn và khai thác trong sản xuất. Nông dân sẽ có lợi khi sử dụng được các giống bản địa vì hợp với thị hiếu tiêu dùng (như lợn miền núi, gà đồi...) tránh được sự cạnh tranh với chăn nuôi công nghiệp.
Người chăn nuôi nông hộ bản thân là tự lập, chịu đựng, ít dựa dẫm. Họ sợ vay mượn và nếu nợ thì cũng muốn nhanh chóng trả, vì thế vấn đề tín dụng không phải là lớn (ít nhất là hiện nay). Điều cần thiết là hỗ trợ họ mua con giống (nhất là giống bản địa) tốt từ một số trại giống ngay tại địa phương. Giúp nông dân nâng cao ý thức liên kết thông qua việc tổ chức các hợp tác xã theo chuỗi ngành hàng, tăng sức cạnh tranh thị trường, bảo vệ quyền lợi cho họ trong cơ chế thị trường. Cơ quan khuyến nông cần giúp nông dân nâng cao trình độ kỹ thuật chăn nuôi và hiểu biết thị trường sản phẩm, giúp người nuôi trong việc bảo đảm chất lượng đồng đều (chưa nói đến chuyện thương hiệu) tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ.
Trong tương lai, tùy theo sự phát triển, một bộ phận tiên tiến của sản xuất nông hộ có thể phát triển thành các trang trại với sự hỗ trợ của các chính sách của Nhà nước. Như vậy, việc hỗ trợ họ lúc này không hề mâu thuẫn với đường hướng công nghiệp hóa chăn nuôi.
Rõ ràng là trong khi đẩy mạnh công nghiệp hóa chăn nuôi, chúng ta không vội quên chăn nuôi nông hộ. Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Nhà nước.
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã