Tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp nhằm vào mục tiêu tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nguồn: internet
Theo Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ năm 2009 và đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.
Đây cũng là chất vấn của một đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi cho rằng, liệu những chính sách đó đã được thực hiện đầy đủ hay chưa.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực hiện theo đúng Nghị quyết 26 của Trung ương. Theo Nghị quyết 26 từ 2008 đến 2013, hàng năm ngân sách nhà nước đều tập trung bố trí cho nông nghiệp, nông thôn với tổng mức khoảng từ 32,8% đến 41,8% tổng chi ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này.
Năm 2014 trong dự toán bố trí 41,7% tổng chi ngân sách nhà nước. Tổng kinh phí bố trí 6 năm qua gần 2 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 38% tổng chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ. Trong đó, tập trung bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, môi trường nông thôn, chương trình nông thôn mới, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở 63 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chương trình 135, chương trình bảo vệ phát triển rừng...
Với ưu tiên bố trí như trên, tăng bình quân mỗi năm là 21%, cao hơn tốc độ tăng của thu ngân sách nhà nước (tốc độ thu ngân sách nhà nước vừa qua bình quân là 16,6%). Đến năm 2014 chi cho nông nghiệp, nông thôn gấp 3,2 lần so với năm 2008, riêng chi đầu tư và phát triển của 2009-2013 tăng 2,62 lần so với 5 năm trước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tuy nhu cầu còn rất lớn so với khả năng đáp ứng nhưng việc bố trí ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương là 5 năm sau cao hơn 2 lần 5 năm trước.
Phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư
Trả lời báo chí trước đó, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt. Giai đoạn trước tăng trưởng nông nghiệp là 4,5%, sau tụt xuống 4,3%, xuống 3,8%, 3,3%, và năm 2013, tăng trưởng nông nghiệp còn 2,67%.
Để cải thiện tình trạng này, theo ông Nguyễn Quốc Cường, cần phải có những động thái hết sức tích cực để tác động mạnh hơn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, phải tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp nhằm vào mục tiêu tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo đó, cần nhận thức thật đúng tầm quan trọng, vị trí, yêu cầu, thực trạng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, đổi mới vận hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể là thực sự điều chỉnh cơ cấu đầu tư.
Ông Cường cho rằng, một khu vực lao động nhiều như sản xuất nông nghiệp, địa bàn rộng như sản xuất nông nghiệp, khó khăn nhiều như sản xuất nông nghiệp, rủi ro cao như sản xuất nông nghiệp, hiệu quả thấp như sản xuất nông nghiệp, thì điều chỉnh cơ cấu đầu tư, phải trở thành yêu cầu vô cùng cấp bách. Cho nên phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, nhắm vào những nơi, những chỗ có khả năng đột phá về năng suất, chất lượng, sản phẩm; những khâu nghiên cứu về khoa học, công nghệ nghiên cứu giống.
"Phải đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp, kèm theo đó là phải liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo mô hình chúng ta đang triển khai là cánh đồng mẫu lớn, thì mới nâng được giá trị nông sản phẩm, phát triển được nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Phải đầu tư vào bảo quản sau thu hoạch, đầu tư vào chế biến để nâng giá trị... nhằm tác động, tạo ra sự đột phá, xoay hướng từ sụt giảm trong nông nghiệp sang tăng trưởng, ít ra cũng phải tăng trưởng 3% và tăng được ổn định ở mức này, thì “bộ mặt” nông nghiệp mới tươi sáng lên được", Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khẳng định.
"Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Tập trung tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết, hợp tác, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Có chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Cùng với việc quan tâm ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác"- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo mof.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã