Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Tại diễn đàn, bên cạnh việc các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản cùng trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư, nhiều địa phương như Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Nhật Bản những tiềm năng và thế mạnh phát triển cũng như cơ hội đầu tư vào nông nghiệp của địa phương.
Các đại biểu cho rằng với một nền nông nghiệp công nghệ cao, sức cạnh tranh lớn cùng trình độ quản lý sản xuất tốt của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp khi xâm nhập thị trường Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, yêu cầu về chất lượng của thị trường Nhật Bản rất cao so với nhiều thị trường khác. Có những sản phẩm đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc, vùng nuôi cũng như công nghệ trong chế biến. Với sự quan tâm về cơ chế chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp này tin rằng sẽ đủ năng lực để xâm nhập thị trường Nhật Bản bởi đây sẽ là thị trường chủ lực của sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho rằng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp phải chịu nhiều thách thức hơn so với các ngành khác. Do vậy, việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã xây dựng Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. Đây là cơ sở để các bên tăng cường hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Với bối cảnh mới, theo ông Đào Quốc Luân, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp Việt Nam cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào bảo hộ và bao cấp, ưu đãi của Nhà nước, từ bỏ thói quen không phù hợp trong sản xuất; chấp nhận cạnh tranh và đào thải của thị trường; thay tư duy ngắn hạn bằng chiến lược, tầm nhìn xa.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm (nhất là thực phẩm) thông qua đầu tư tại Việt Nam; nghiên cứu, tập trung ưu tiên đầu tư các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất giống, chế biến, bản quản, công nghệ sau thu hoạch có ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản liên kết, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện các dự án trong các chương trình dự án ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.
Ông Đào Quốc Luân cũng cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm và có xu hướng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Việt Nam đã tích cực hỗ trợ về mặt thủ tục và chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam và các liên doanh.
Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam là 230,3 triệu USD với 34 dự án./.
Theo: vietnamplus.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã