Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.
Tham gia hội nghị có các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), các Cty, Trung tâm giống và lãnh đạo ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành trong vùng.
Mô hình liên kết SX, sử dụng giống có phẩm cấp trong SX lúa ở vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT giao cho VAAS và Viện Lúa ĐBSCL thực hiện.
Mục tiêu của dự án nhằm liên kết giữa nông dân và DN trong SX và cung ứng hạt giống lúa thuần có phẩm cấp cho SX nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả SX lúa. Mô hình được thực hiện ở 10 tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích 2.090 ha trong thời gian 3 năm (2014- 2016) với khoảng 1.500 hộ nông dân tham gia.
TS Trần Ngọc Thạch, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, theo kế hoạch, tổng diện tích liên kết SX và tiêu thụ giống lúa của dự án là 19.250 ha, trong đó có 2.090 mô hình, còn lại là huy động liên kết với hộ dân bên ngoài.
Ngay trong vụ HT 2014, đã có 8/9 đơn vị đăng ký tham gia thực hiện tại 9 tỉnh ĐBSCL được hơn 544 ha, sản lượng lúa giống cấp xác nhận (XN) thu được 2.847 tấn.
Ngoài ra, còn huy động liên kết được 2.995 ha, sản lượng 14.975 tấn. Dự kiến đến năm 2016, dự án sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 tấn giống cấp XN, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng lúa giống cò phẩm cấp trong vùng từ 40% hiện nay lên trên 50%.
Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, hiện diện tích sử dụng giống lúa XN của tỉnh mới đạt trên 30%, trong khi mục tiêu đặt ra là trên 70%. Nguyên nhân là do giá giống cao nên nông dân không mặn mà bỏ tiền ra mua.
Hơn nữa, thị trường hiện có quá nhiều loại giống nên nông dân lúng túng không biết chọn loại giống nào cho phù hợp. Còn xã hội hóa công tác giống, chuyển giao quy trình cho dân tự làm thì cơ sở vật chất lại không đạt yêu cầu, chất lượng kém.
“Để đảm bảo nguồn lúa giống cho SX, tỉnh đã quy hoạch 600 ha, mời các DN tham gia làm giống chính quy. Ngoài ra, còn 2.400 ha huy động liên kết tạo mạng lưới SX giống”, ông Đồng phát biểu.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Tiền, GĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cũng cho rằng, việc xã hội hóa giống lúa theo hướng cho dân tự làm là không hiệu quả. Ngoài vấn đề chất lượng không đảm bảo, nông dân ĐBSCL thường bán lúa tươi ngay khi thu hoạch nên ít ai giữ lại làm giống.
Theo ông Tiền, để làm tốt công tác giống thì phải tạo được mối liên kết chặt chẽ “3 nhà”, gồm nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo, nhà DN SX kinh doanh và nhà nông sử dụng.
Ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, một đơn vị rất thành công trong lĩnh vực SX, kinh doanh lúa giống chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn có hệ thống giống tốt thì phải đầu tư cơ sở vật chất để nghiên cứu chọn lọc, tạo điều kiện cho các DN tham gia thương mại hóa.
ĐBSCL hiện nay lệ thuộc nhiều vào các trung tâm giống là không ổn, vì đây là đơn vị nhà nước, khó chủ động trong kinh doanh, nguồn lực lại có hạn trong khi không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì vậy, cần đổi mới hoạt động của các trung tâm theo hướng thị trường, cổ phần hóa để các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn”.
PGS.TS Trịnh Khắc Quang, Q. Giám đốc VAAS cho rằng, muốn đẩy mạnh hoạt động SX giống lúa cấp XN theo hướng xã hội hóa tại ĐBSCL thì cần hỗ trợ lúa giống cấp nguyên chủng, chi phí kiểm nghiệm giống cho nông dân, tổ chức tham gia thực hiện.
"Về công tác quản lý, cần siết chặt khâu kiểm nghiệm, đăng ký SX giống trước khi đưa ra thị trường. Hiện nay, có những đơn vị chỉ có khả năng SX được vài chục tấn lúa giống/năm nhưng số lượng bán ra thị trường lại đến cả trăm tấn là không thể chấp nhận, cần phải chấn chỉnh ngay", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo. |
Đồng thời, để nâng diện tích sử dụng giống XN thì cần hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nhằm giảm lượng giống gieo sạ (nông dân ĐBSCL đang sử dụng từ 150 - 200 kg lúa giống/ha), giảm bớt chi phí bỏ ra mua giống thì nông dân sẽ dễ chấp nhận.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Phạm Văn Dư đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống lúa, giảm bớt số lượng giống hiện có. Nên tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống theo từng nhóm chính để phục vụ xuất khẩu như nhóm gạo trắng hạt dài, gạo thơm, gạo đặc sản địa phương… Từ đó, nâng cao giá trị xuất khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ xác định lúa là cây trồng số 1.
Thời gian qua, chúng ta đã có những thành công lớn trong canh tác lúa như về năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, về mặt chất lượng, thị trường đầu ra vẫn còn nhiều bất ổn. Vì vậy, để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, trước hết phải tập trung vào khâu giống làm sao để nâng cao chất lượng, tăng giá trị.
Thứ trưởng đề nghị VAAS và Viện lúa ĐBSCL cần hoàn thiện cơ chế để liên kết với địa phương, DN, nông dân thực hiện dự án thật hiệu quả. Ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để làm sao giảm lượng giống gieo sạ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Rà soát cơ cấu lại giống lúa, mỗi địa phương, vùng sinh thái chỉ nên sử dụng 3 - 5 giống chủ lực và một số giống bổ sung, không nên sử dụng tràn lan như hiện nay.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã