Hiệu quả bước đầu
Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai từ năm 2014 đến năm 2016, tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác của toàn tỉnh đạt trên 7,7 nghìn ha. Trong đó, chủ yếu diện tích được chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu như: ngô, lạc, khoai lang, ớt... Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tiết kiệm được chi phí đầu tư cho công tác tưới tiêu, giá trị kinh tế đạt cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích.
Để khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 87/2014, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/ 1 lần đối với những diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; với điều kiện quy mô vùng chuyển đổi từ 2ha trở lên. Nhờ vậy, nhiều địa phương triển khai có hiệu quả.
Bà con chuyển đổi từ đất lúa sang trồng ngô ở xã Châu Đình (Quỳ Hợp). Ảnh: V.T |
Châu Quang là xã trọng điểm lúa của huyện Quỳ Hợp với trên 430 ha, trong đó có hàng chục ha cho năng suất lúa rất thấp 10 - 12 tấn/ha/vụ, có 3 ha không cho thu hoạch. Nguyên nhân là do việc khai thác khoáng sản đầu nguồn gây nước đục bùn. Năm 2015, xã đã phối hợp với Công ty mía đường Na Su chuyển đổi diện tích 15 ha thuộc bản Còn sang trồng mía giống. UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ trên 300 triệu đồng để xã tiến hành dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, đào đắp kênh mương tiêu úng, đảm bảo mỗi hộ 1 thửa thuận lợi cho việc canh tác.
Gia đình ông Phan Văn Nguyên, 1 trong 70 hộ dân ở bản Còn đã chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa sang trồng mía giống loại QĐ 93, xen canh cùng đậu tương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyên phấn khởi cho biết: Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng mía và được công ty bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi yên tâm sản xuất. Năm vừa rồi, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, thu nhập 6 triệu đồng/sào. Tính chung thu nhập từ diện tích chuyển đổi sang trồng mía xen đậu tương mang lại giá trị kinh tế cao gấp 10 lần so với làm lúa trước đây. Còn vụ này, dự tính năng suất mía đạt cao hơn, từ 7 - 8 tấn/ha.
Toàn huyện Quỳ Hợp có 5.133 ha lúa/2 vụ, trong đó một số diện tích bị ô nhiễm từ khai thác khoáng sản, các diện tích ở vùng cao cưỡng thường xuyên thiếu nước nên lúa kém năng suất. Đến nay, huyện đã vận động các xã chuyển đổi được gần 100 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu; chủ yếu chuyển sang trồng ngô, lạc, đậu tương, mía và cam.
Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Từ năm 2014 đến nay, huyện đã hỗ trợ các địa phương trên 450 triệu đồng để cải tạo đất, xây dựng mương tiêu thoát nước, đường giao thông nội đồng, giống cây... Ngành Nông nghiệp huyện còn hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, rà soát chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây màu, hình thành những vùng chuyên canh dựa vào lợi thế của từng địa phương.
Cánh đồng mía chuyển đổi từ đất lúa ở bản Còn, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Ảnh: V.T |
Còn Hưng Nguyên là huyện có nhiều diện tích sâu trũng, chủ yếu là đất thịt nặng nên khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên, huyện vừa thực hiện chuyển đổi thời vụ, song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bình quân mỗi năm, Hưng Nguyên thực hiện chuyển đổi từ 50 - 70 ha, đến nay, huyện đã chuyển đổi khoảng 200 ha diện tích đất cao cưỡng sang sản xuất vụ thu đông trên đất 1-2 lúa; vùng sâu trũng được chuyển sang nuôi cá vụ ba. Đơn cử xã Hưng Đạo thực hiện chuyển đổi 67 ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá. Ngoài ra, hàng năm xã duy trì khoảng 30 ha diện tích đất lúa để nuôi cá vụ 3.
Theo ông Phan Xuân Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo: Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng lúa. Xã đang tiếp tục triển khai dồn điền, đổi thửa để mở rộng diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao.
Tiếp tục chuyển đổi hơn 5.000 ha đất lúa
Nhằm nâng cao sản lượng, giá trị thu nhập trên diện tích đất trồng lúa, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ chuyển 5.457 ha diện tích đất lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, rau, hoa, cây thức ăn gia súc, các cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đất 2 lúa là 5.151 ha và đất 1 vụ lúa là 306 ha.
Tổng diện tích các cây trồng khác được chuyển đổi từ đất lúa trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7.500 ha; trong đó, diện tích ngô là 3.562ha, rau và hoa 791ha, nuôi trồng thủy sản 1.206 ha, lạc, vừng 784 ha, cây thức ăn chăn nuôi 633 ha, đậu tương 308 ha, mía 26 ha và các loại cây trồng khác là 90 ha.
Mô hình trang trại của gia đình anh Lưu Đức Quyết ở xóm 7, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên). Ảnh: Đ.N |
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho rằng: Một số cán bộ, nhân dân chưa dám mạnh dạn đổi mới tư duy trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sản phẩm nông nghiệp chưa có được đầu ra ổn định nên chưa tạo được động lực cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Còn ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện chuyển đổi được trên 210 ha trồng lúa kém hiệu quả ở những vùng đất cao, cuối nguồn tưới sang các loại cây màu như: ngô, lạc, đậu, bí xanh, bí đỏ... Mặc dù việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa trước đây không tương thích với các loại cây trồng khác (tiêu nước còn hạn chế). Bên cạnh đó, để lựa chọn giống cây trồng phù hợp điều kiện với từng vùng đất cũng còn nhiều khó khăn.
“Một vấn đề nữa là người dân nhiều địa phương vẫn giữ thói quen với tập quán sản xuất lúa nên không mấy chủ động trong việc chuyển đổi sang cây trồng khác. Cùng đó, đầu ra sản phẩm, khâu tiêu thụ các cây trồng sau chuyển đổi chưa ổn định... cũng là trở ngại trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hiện nay”, ông Nguyễn Đình Hương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết thêm.
Để đạt được mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, bên cạnh các cơ chế chính sách của tỉnh, vấn đề đặt ra là các địa phương cần tập trung các giải pháp: Nâng cao nhận thức người dân, tập trung chỉ đạo và thực hiện quy hoạch; rà soát quỹ đất xây dựng kế hoạch chuyển đổi; ứng dụng các công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, kết nối chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đinh Nguyệt
Nguồn: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã