Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Đoàn Cần Thơ về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến đâu?
Bộ trưởng Cao Đức Phát, cho biết: Mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả và tính bền vững để nâng cao nhanh hơn thu nhập của nông dân và giải pháp chủ yếu là phải thay đổi cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất và nguồn lực. Hơn 2 năm qua ở trung ương Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế VAT. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách đổi mới với hầu hết các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Có thể nói trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều có những chính sách rất mạnh đã được ban hành. Các bộ cũng đã quyết liệt mở cửa thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Về tổ chức lại sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng các địa phương thúc đẩy mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2015 đã có 536.000ha lúa tham gia cánh đồng lớn. Mô hình liên kết cũng đang được xây dựng đối với các cây trồng và vật nuôi khác. Hiện, Bộ đang tổng kết thực hiện Quyết định 62 để đề xuất chính sách mở rộng sang các lĩnh vực khác. Ngoài ra cũng đang phối hợp đẩy mạnh, sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cũng rất phấn khởi gần đây đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân lớn quan tâm đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đã soạn thảo đệ trình lên Chính phủ một nghị định về chính sách đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp với các bộ, các địa phương, có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua việc điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ, cơ chế quản lý và thu hút các doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp rất tốt trong việc chọn, tạo và phổ biến các giống tốt cho nhân dân, như công ty giống Thái Bình có giống lúa được trồng trên diện tích lớn nhất trong tất cả các tổ chức nghiên cứu về giống lúa ở nước ta.
Việc phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất tốt, cơ giới hóa nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, đồng thời chúng tôi cũng đang phối hợp để điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, lồng ghép các chương trình dự án và khuyến khích đầu tư tư nhân. Một số địa phương đã tự huy động và bố trí vốn để thực hiện chủ trương tái cơ cấu.
Nhưng quan trọng trên thực tiễn đã có tác động như thế nào. Về cơ cấu sản xuất đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế của cả nước và mỗi vùng. Những gì là lợi thế của nước ta thì vẫn đang được tiếp tục phát huy mạnh hơn. Đã có khoảng 200.000ha diện tích gieo trồng lúa được chuyển sang trồng cây khác có giá trị hơn. Trong sản xuất lúa đang có chuyển động mạnh theo hướng nâng cao chất lượng. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng nhanh. Ở Thái Bình nếu kể cả giống BC15 bán được khoảng 7000 đồng/1kg thì vụ mùa vừa qua đã tới 70% diện tích gieo trồng lúa có thể nói đạt chất lượng cao.
Đối với các lĩnh vực sản xuất khác cũng đang có sự thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả, như đẩy mạnh tái canh cà phê và áp dụng các giải pháp để phát triển bền vững với hiệu quả cao hơn, cải tạo vườn điều, thâm canh bền vững hồ tiêu, phát triển hợp tác công, tư với cây chè, mở rộng diện tích cây ăn quả giá trị cao, phát triển chăn nuôi công nghiệp trang trại, gia trại với giống và kỹ thuật tiến bộ. Nhiều đồng chí hỏi tôi vậy thì tái cơ cấu chăn nuôi là gì? Chủ yếu nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó phải được thực hiện chủ yếu bằng việc phổ biến cho nhân dân áp dụng những giống mới, kỹ thuật mới và phát triển những hình thức chăn nuôi có hiệu quả cao.
Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, năm nay nhân dân đóng khoảng 800 tàu cá với công suất 90 mã lực, trong khi chương trình 67 đã hỗ trợ thêm thì dân đóng được 38 tàu.
Phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo dừng khai thác chính từ rừng tự nhiên và tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, các hoạt động trên đang đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương, nhìn chung còn chậm so với yêu cầu. Giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hoặc ban hành mới các chính sách mạnh mẽ hơn, để thực hiện chủ trương tái cơ cấu, nhất là chính sách về đất đai, thuế và vốn, xây dựng và bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình, dự án ưu tiên, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân và các doanh nghiệp tham gia một cách chủ động và tích cực hơn.
Dương Thanh
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã