Những năm qua, lĩnh vực trồng trọt luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong tổng giá trị sản lượng nông – lâm thủy sản của toàn ngành năm 2013 đạt 1.020 tỷ đồng thì lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 52%.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của mỗi địa phương, vùng và khu vực theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với thị trường góp phần nâng cao thu nhập nông dân là giải pháp căn cơ đang được ngành trồng trọt tập trung triển khai trong quá trình tái cơ cấu. Phóng viên VOV đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, ngành trồng trọt sẽ thực hiện tái cơ cấu như thế nào để được đạt mục tiêu duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho nông dân?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong lĩnh vực trồng trọt, tái cơ cấu gồm 2 hướng: Thứ nhất là điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng; thứ hai là nâng cao hiệu quả sản xuất những cây trồng lựa chọn ở mỗi địa phương.
Chúng tôi sẽ ưu tiên và tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất những cây trồng là lợi thế của nước ta, và khuyến cáo các địa phương lựa chọn đầu tư phát triển vào những cây trồng có lợi thế.
PV: Những giải pháp quan trọng nào được đặt ra trong quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt để đạt được mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Những giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt có nhiều, nhưng giải pháp về chính sách có vai trò hết sức quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình này.
Các chính sách quan trọng nhất phải hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thay thế những cây trồng có giá trị thấp bằng những cây trồng có giá trị cao hơn, kể cả ở trên đất trồng lúa.
Giải pháp quan trọng thứ hai, đó là điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Chúng ta phải làm sao mà ở mức đầu tư như hiện nay nhưng có hiệu quả cao hơn bằng cách tập trung cao hơn cho những cây trồng mà chúng ta lựa chọn là lợi thế.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực trồng trọt, đưa ra những cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành trồng trọt cùng với nông dân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
PV: Thưa Bộ trưởng, yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt là sự đồng thuận của nông dân và địa phương, vậy quan điểm của ngành nông nghiệp về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để thay đổi nhận thức của bà con nông dân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền trong nhân dân để tạo ra sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu đến từng địa phương, các cấp ở cơ sở.
Thứ nhất, đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay chúng ta không nhất thiết phải sản xuất để tự cung cấp cho nhu cầu của mỗi địa phương các loại lương thực, thực phẩm mà điều kiện hiện nay cho phép chuyển mạnh sang sản xuất những loại cây trồng đem lại thu nhập cao.
Thứ hai, không nhất thiết phải gia tăng sản lượng thì mới tăng thu nhập cho nông dân, vấn đề chính hiện nay là phải lựa chọn những cây trồng cơ lợi thế và cách làm phù hợp để có thu nhập cao hơn cho nông dân.
Trong một số trường hợp như cây lúa là một ví dụ, chúng ta cần phải tập trung để nâng cao hiệu quả để có thu nhập cao hơn thay vì sản xuất ra nhiều loại lúa gạo mà có chất lượng thấp, tiêu thụ khó khăn và có khi làm giảm giá, giảm thu nhập của nông dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.
Minh Long
Nguồn vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã