Khai thác lợi thế
Với đặc điểm địa lý tự nhiên đa dạng, quỹ đất nông, lâm nghiệp lớn, chất đất màu mỡ, nhiều cửa sông, cảng biển là những lợi thế quan trọng của Nghệ An trong phát triển NN. Những năm qua, Nghệ An đã chuyển mạnh từ sản xuất NN theo quy mô hộ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp hoặc chưa mang tính thương mại hóa cao, thành những vùng chuyên canh NN lớn như: lúa nước (85 nghìn ha), mía (33 nghìn ha), cao-su (10 nghìn ha), chè (9 nghìn ha), cam (3 nghìn ha), chanh leo (1.200 ha) và cỏ nuôi bò sữa (9 nghìn ha),… Năm 2015, NN Nghệ An phát triển theo hướng trồng trọt giảm dần, chăn nuôi và dịch vụ tăng; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế được nâng lên; trong đó, NN tăng 4,47%, lâm nghiệp tăng 3,52% và ngư nghiệp tăng 5,43%; sản lượng lương thực đạt 1,204 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất cây lương thực (lúa, ngô...) tăng cả tổng diện tích gieo trồng, năng suất và tổng sản lượng. Tỉnh Nghệ An đã khuyến khích và tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ (hơn 40% diện tích) bằng các giống như: AC5, B-TE1, Vật tư NA2, Bắc Thơm, nếp 8787, lúa thảo dược...
Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Nghệ An đã có mặt trên thị trường thế giới. Riêng năm 2015, Nghệ An xuất khẩu hơn 215 triệu USD, gồm các loại hàng thủy sản, đồ gỗ chế biến, chè, cà-phê nhân, lâm sản, dăm bột giấy... Tỉnh đã xây dựng và phát triển thành công thương hiệu "Chè Nghệ An", góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm chè trong nước và quốc tế. Trên địa bàn đã có nhiều mô hình tốt trong liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như các mô hình sản xuất lúa chất lượng của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất giống lúa của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An...; tích cực triển khai thực hiện Quyết định 62/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tích cực mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong các lĩnh vực như: sản xuất giống cây, con, lúa chất lượng cao (hơn 25 nghìn ha), sản xuất thức ăn, chăn nuôi bò sữa... Qua đó, góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tỉnh chú trọng công tác chống hạn và nhiễm mặn, miễn giảm, hỗ trợ thủy lợi phí, hỗ trợ bão lụt... với tổng kinh phí hơn 280 tỷ đồng; tăng cường rà soát quản lý, sử dụng quỹ đất và hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, qua đó khuyến khích chuyển giao những diện tích sử dụng kém hiệu quả cho các địa phương và nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn, như chăn nuôi bò sữa, trồng cây dược liệu, sản xuất rau, hoa, củ quả theo công nghệ cao.
Phát triển nông nghiệp toàn diện
Năm 2016, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh phát triển NN toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; ưu tiên các loại giống cây, con có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh thâm canh, thực hành sản xuất tốt; gia tăng thiết bị và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào thu hoạch, bảo quản và chế biến. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển NN ứng dụng công nghệ cao trên một số lĩnh vực: Chăn nuôi bò sữa, nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau quả và hoa, sản xuất lúa chất lượng, ngô, lạc, mía, chè... Hoàn thành quy hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, lạc, chè và mía; tiếp tục tập trung thu hút các dự án NN ứng dụng công nghệ cao vào khu NN công nghệ cao Phủ Quỳ; thúc đẩy các dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn; dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH, Vinamilk; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Nghệ An đang chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non, xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn theo Đề án phát triển lâm nghiệp đến 2020. Điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng rừng phòng hộ theo hướng tăng cây đa mục tiêu, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá cho nghề cá, bao gồm cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, hạ tầng vùng nuôi; các công trình nâng cao năng lực cho công tác kiểm ngư, kiểm lâm; các công trình hạ tầng thủy lợi, chống biến đổi khí hậu và phục vụ nghiên cứu khoa học, chọn tạo và nhân giống. Tiếp tục nâng cấp đội tàu có công suất trên 90CV với trang thiết bị hiện đại.
Tỉnh cũng ban hành quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến 2020, đề án tái cơ cấu NN, phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo... Đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được phê duyệt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất của các công ty.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã