Căn bệnh mãn tính “được mùa-rớt giá” đến nay dường như vẫn chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu. |
Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin về tình trạng “được mùa – rớt giá” trong nông nghiệp. Nào là dưa hấu rớt giá thê thảm chỉ còn lại 3.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 500 đồng/kg, nhiều nơi nông dân phải ngồi nhìn dưa thối mà xót xa; xoài Cát Chu, xoài Thanh Ca ở miền Tây vào mùa thu hoạch rộ chỉ còn 1.000–3.000 đồng/kg nhưng không cách nào tiêu thụ; nhãn lồng, thanh long, vải thiều, cà phê, khoai lang, sắn, gạo, mía đường, muối, hành tây… cũng lâm vào tình trạng trên, cá ngừ đại dương có lúc chỉ bán 60.000 đồng/kg, bằng 1/3 thời điểm được giá, tôm thẻ chân trắng mất giá đến 30%, rồi đến cá ba sa, cá tra...
Thực tế trên khiến cho nông ngư dân đã nghèo lại càng nghèo thêm, trong lúc đó thương lái trong nước và thương lái nước ngoài ép cấp, ép giá, phao tin đồn nhảm lũng đoạn thị trường… các cơ quan quản lý cũng chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để điều chỉnh.
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã bàn bạc, trao đổi, thảo luận quy trách nhiệm này thuộc về ai? Ngành Nông nghiệp? Ngành Công Thương? Làm gì để nâng cao đời sống cho nông ngư dân?...
“Bệnh được mùa rớt giá” do nhiều nguyên nhân, nào là công tác dự báo và cơ cấu lại thị trường chưa làm tốt (theo số liệu năm 2013 xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Các cơ quan làm công tác quy hoạch sản xuất chưa gắn liền với tiêu thụ, công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chưa được quan tâm đúng mức để hỗ trợ cho nông ngư dân trong việc tổ chức lại sản xuất…
Từ thực tiễn trên và trong bối cảnh tình hình mới, người viết đề xuất một số giải pháp đối với các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp:
Một là, tái cơ cấu và sắp xếp lại thị trường xuất nhập khẩu, trong đó có thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản. Đây là nhiệm vụ cần triển khai gấp. Tổ chức lại các cơ quan thông tin thị trường, xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương. Thành lập ủy ban thông tin cơ cấu thị trường quốc gia bao gồm Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng đặc thù… để có sự điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các kịch bản khác nhau, chủ động thích ứng mọi tình huống xảy ra; đồng thời giúp cho các ngành, các cấp từ nắm bắt nhu cầu cơ cấu và đa dạng hóa thị trường trong và ngoài nước, định hướng khả năng tiêu thụ từng loại mặt hàng, sản phẩm, tổ chức khảo sát mở rộng thị trường, giúp cho nông ngư dân quy hoạch, đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hai là, công tác quy hoạch sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ và được tiến hành trước hết ở cấp độ quốc gia, trên cơ sở đó các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cho mình, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, liên kết với các vùng khác, tạo điều kiện cho nông ngư dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro.
Ba là, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cần tập trung vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi nhằm mục đích rải vụ, giảm tổn thất do thu hoạch dồn dập, tiêu thụ không kịp thời. Các viện nghiên cứu, các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, các doanh nghiệp… cần liên kết lại, tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học về bảo quản, chế biến sau thu hoạch để sản xuất các mặt hàng mới như sấy khô, đồ hộp, đông lạnh, từ đó chuyển giao công nghệ cho nông ngư dân.
Bốn là, Nhà nước và các doanh nghiệp cần hỗ trợ: xe lạnh, xây dựng các kho bãi tại các đầu mối tập kết sản phẩm và các cửa khẩu, các bến cá, cảng cá, trang bị cho các tàu đánh bắt cá, tàu thu mua trên biển có đủ phương tiện làm mát, làm lạnh, bảo quản đông… nhằm kéo dài thời gian bảo quản, vận chuyển, đảm bảo chất lượng để chế biến và tiêu thụ.
Năm là, tăng cường củng cố các hiệp hội hiện có, phát triển thêm các hiệp hội mới theo các ngành hàng, đây chính là tổ chức giúp cho nông ngư dân tìm kiếm các đối tác và các thị trường tin cậy; hướng dẫn ký kết hợp đồng tiêu thụ, đồng thời cũng là đại diện cho nông ngư dân đàm phán, chống các rào cản thương mại; phối hợp với các ngành các cấp ngăn chặn việc ép cấp, ép giá, có biện pháp kịp thời đối phó với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại sản xuất…
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, mua công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với các nước như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Israel… trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, bảo quản sau thu hoạch, chế biến các mặt hàng chất lượng cao để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Vừa tròn một năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NNPTNT đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện, bước đầu đã có một số kết quả trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi... Tuy nhiên còn nhiều việc cần phải tiếp tục giải quyết trong đó có căn bệnh mãn tính “được mùa – rớt giá” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông ngư dân chưa có phương thuốc nào hữu hiệu để chữa trị. Hi vọng trong thời gian tới với sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các địa phương sẽ chấm dứt được tình trạng “được mùa – rớt giá”, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã