Học tập đạo đức HCM

Ông Lênh “gàn” chi hàng trăm triệu sửa cầu, đắp đường cho dân đi

Thứ tư - 28/09/2016 21:36
Ít nói, khiêm nhường, người đàn ông bình dị này khiến tôi khó hình dung hết những việc mà ông làm cho người dân nghèo vùng biển. Đằng sau mỗi việc làm là tấm lòng đau đáu giúp được việc gì đó thật hữu ích cho người dân quê mình. Ông là Trần Văn Lênh ở Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh).

Truyền nghề lặn cứu... đói

Trong túp lều tranh bên triền đê Cẩm Lĩnh, nơi mà vợ chồng ông sinh sống bấy lâu, ông Lênh khởi đầu câu chuyện: “Lớn lên, tui tham gia bộ đội. Liên tục chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 4, 5 năm. Sau khi đất nước thống nhất, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tui quyết định về quê để cáng đáng việc nhà”.

ong lenh gan chi hang tram trieu sua cau dap duong cho dan di

Nhường ngôi nhà lớn cho con trai, vợ chồng ông Lênh sống an vui trong túp lều tranh bên triền đê Cẩm Lĩnh

Hồi ấy, gia đình ông Lênh rất nghèo. Do vậy, cái mà ông nghĩ đến là tìm kiếm cái nghề để kiếm ăn chứ chưa dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Với nghề biển hồi ấy, lặn để kiếm sống cũng còn rất khó khăn. Bởi vậy, ông Lênh đã nghĩ ra việc phải có công cụ hỗ trợ.

Sau nhiều tháng trăn trở, mày mò, năm 1982, ông chính thức sáng chế ra máy lặn đầu tiên của ngư dân vùng Cẩm Lĩnh. Chiếc máy được chế từ máy hơi của zin khơ ô tô, nén khí vào bình và trực tiếp đưa vòi xuống biển lặn.

Từ khi có máy lặn, việc lặn biển trở nên dễ dàng và rất hiệu quả. Tôm hùm, cua, ghẹ muốn ăn bao nhiêu bắt được bấy nhiêu. Thấy vậy, người trong vùng, kể cả ở Kỳ Xuân (Kỳ Anh) đều kéo đến xem rồi về sắm máy và nhờ ông tập lặn.

Ông Lênh nhớ lại: “Hồi ấy, đói lắm! Sinh được cái nghề lặn là sướng vì muốn ăn gì dưới đáy biển đều có. Mình thoát đói được rồi thì phải chia sẻ cho bà con. Đi đến mô, tôi tập lặn cho người dân đến đó. Người được tui dạy rồi thì tập cho người khác. Riêng Kỳ Xuân có hôm có đến 90 người kéo nhau ra nhờ tui tập lặn. Một mình làm không nổi, tui đào tạo thêm mấy bạn đi thuyền để cùng tập cho bà con. Tính sơ sơ, theo cả “dây chuyền” tiếp nối cũng có khoảng 1.000 anh “lính” lặn được tui đào tạo miễn phí trong khoảng thời gian này”.

Bỏ hàng trăm triệu giúp dân làm nông thôn mới

Với khát vọng đổi đời, năm 2000, trên con thuyền nhỏ gắn máy của mình, ông Lênh đã rong ruổi vào tận Phan Thiết. Tại đây, ông bán nó với giá 5 triệu đồng và vay mượn mua con tàu 33 mã lực (45 CV) với giá 27 cây vàng. Sau 2 năm ròng đánh bắt hải sản để trả nợ tiền tàu, ông Lênh lại chạy tàu ra Quảng Ninh để lặn biển. Được một thời gian, tình cờ một hôm ông xem báo thấy Hà Tĩnh ra nghị quyết về nuôi trồng thủy, hải sản. Khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thôi thúc ông trở về. Bán con tàu, cùng số tiền gom góp được bấy lâu, ông Lênh về quê đầu tư nuôi tôm sú với diện tích 2 ha tại Cẩm Lĩnh.

ong lenh gan chi hang tram trieu sua cau dap duong cho dan di

Cầu Con Đu trước đây cứ hễ có trận mưa là ngập hỏng, người dân ra đồng phải đi đường vòng rất xa. Thương dân, ông Lênh đã đổ đắp cao, kè đá hai bên đường, hai bên mố cầu chống sụt lở và bê tông hóa toàn bộ cung đường với trị giá hơn 100 triệu đồng để người dân qua lại

Làm giàu trên quê hương, ông Lênh bắt đầu cuộc hành trình giúp dân đổi thay cuộc sống. Chở tôi trên chiếc xe máy dạo quanh các xóm làng Cẩm Lĩnh, trên mỗi cung đường có “sức” ông gánh vác, ông Lênh tâm sự: “Khoảng 5 năm trở lại đây, bà con thiếu xe cát, xe đá làm công trình vệ sinh, xây tường rào, tui đều cho. Nhưng đặc biệt tui ưu tiên cho những con đường để bà con đi lại đỡ vất vả. Gần đây, tui lại tập trung cho xây dựng hội quán, nơi hội họp, sinh hoạt thể thao, giải trí... Những công trình giúp dân tui đều trực tiếp giám sát. Đã làm là làm cho chắc, không thì phí công, phí của”...

ong lenh gan chi hang tram trieu sua cau dap duong cho dan di

Ngay những con đường dưới bờ đê trông còn lô nhô như thế này, trước đây, mùa mưa đến là ngập nước, lầy lội, ông Lênh đã cho xe chở đất đá đắp cao lên để đi lại dễ dàng hơn

Bà Nguyễn Thị Hường (thôn 4), người mà chúng tôi gặp ở cầu Con Đu, nơi có công trình mà ông Lênh đã khá dày công và đầu tư trên 100 triệu đồng mới hoàn thành, cho biết: “Trước đây, mùa mưa không ai đi qua được con đường này đâu. Nhờ ông Lênh cả đấy. Ông đã cho làm con đường hai bên cây cầu cao lên, có kè đá vững chắc. Hai bên mố cầu được giữ vững, không còn hễ cứ mưa là trôi cầu như trước đây nữa. Dân đi làm đồng cũng phải đi vòng rất xa, giờ thì đã đi qua được con đường này rồi”…

Ông Thái Văn Cầu - Trưởng thôn 6 đang loay hoay giữa ngổn ngang đất đá để xây dựng hội quán mới theo tiêu chí nông thôn mới, nhưng khi nghe tôi hỏi về ông Lênh, liền hồ hởi: “Toàn bộ đất san lấp mặt bằng hội quán này là ông Lênh cho cả đấy, tổng trị giá gần 75 triệu đồng. Sự giúp đỡ này đã khởi động, cổ vũ cho hoạt động xã hội hóa xây dựng hội quán theo tiêu chí mới”.

ong lenh gan chi hang tram trieu sua cau dap duong cho dan di

Ông Lênh (áo trắng) cùng cán bộ thôn 6 bàn về xây đựng hội quán theo tiêu chí NTM do ông hỗ trợ san lấp toàn bộ mặt bằng

5 năm qua, nếu tính về hỗ trợ bằng sản phẩm giúp đỡ các gia đình khó khăn, ông Lênh không nhớ hết bao nhiêu. Nhưng riêng kinh phí hỗ trợ để chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới thì gần 550 triệu đồng.

Trong ngôi nhà nhỏ giản dị nhưng vô cùng ấm áp, bên người bạn đời hiền lành, một mực luôn ủng hộ những việc làm của chồng, vẫn giọng điềm đạm, khiêm nhường, ông Lênh bày tỏ: “Muốn giúp người dân đỡ khổ không phải cứ đem cho họ cái này cái nọ là được. Quan trọng là phải thay đổi được tư duy của họ, từ đó, chính họ vươn lên mới bền vững. Tui đang ấp ủ và nếu thuận lợi, sang năm sẽ dồn vốn triển khai 5 mô hình kinh tế mới, bao gồm: nuôi vịt trời trên 3.000 con; nuôi dế và tắc kè; nuôi kỳ đà; nuôi cua trong thùng; nuôi lươn và giun. Tui đã tham khảo rất nhiều nơi và thấy 5 mô hình này hiện đang phù hợp với tiềm năng người dân ở đây. Đặc biệt, có ưu điểm là tiền đầu tư ít nhưng giá bán cao. Trước hết, tui làm mô hình cho người dân học tập, nhân rộng, sau đó, sẽ hình thành HTX và bao tiêu sản phẩm cho bà con…”.

Chiều cửa biển dần buông, chúng tôi chia tay ông với lời hẹn gặp lại khi ông triển khai thành công mô hình kinh tế mới. Trên suốt chặng đường về, hình ảnh nụ cười đôn hậu và niềm hạnh phúc an vui của đôi vợ chồng già cứ lan tỏa trong tôi, nhẹ nhàng, thanh cao. Và tôi hiểu, niềm hạnh phúc ấy chỉ có thể có được ở những con người biết cho đi.

Theo: Biện Nhung/baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm240
  • Hôm nay27,628
  • Tháng hiện tại895,139
  • Tổng lượt truy cập90,958,532
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây