Tính đến hết quý I/2013, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam chỉ đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai thị trường chính nhập khẩu cá tra là Hoa Kỳ và EU (chiếm 43% sản lượng) có giá trị nhập khẩu lần lượt giảm 11% và 15%. Ngoài ra, các thị trường khác của cá tra Việt Nam cũng giảm mạnh nhập khẩu như Mexico giảm 24%, Colombia giảm 21%...
Hiện nay, tình hình khủng hoảng kinh tế tại các nước EU vẫn chưa phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện. So với năm ngoái, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sụt giảm không nhiều nhưng lại giảm đáng kể so với các năm trước. Theo thống kê của VASEP, quý I/2013, giá trị xuất khẩu cá tra vào EU đạt 95,3 triệu USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó Tây Ban Nha, quốc gia nhập khẩu nhiều nhất trong khối EU đạt giá trị nhập khẩu 21,5 triệu USD, giảm 11,7%.
Đến thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã chững lại trong quý I/2013, thậm chí sụt giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3. Tính đến hết quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 72,4 triệu USD, giảm 11,7%.
Hiện, Hải quan Hoa Kỳ tạm dừng thu thuế với mức giá cao của kỳ POR8 đến khi Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) có phán quyết cuối cùng về đơn kiện của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra philê đông lạnh tại Hoa Kỳ có xu hướng tăng nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm 2013, giá cá tra philê đông lạnh cỡ 5-7oz dao động trong khoảng 1,7 - 1,8 USD/pound, giảm so với mức giá 1,9-1,96 USD/pound của cùng kỳ năm ngoái.
Nguy cơ khác cho xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ là chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vẫn còn đó, bất chấp nhiều ý kiến phản đối từ chính giới kinh doanh, người đứng đầu ngành thủy sản và một số thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhiều doanh nghiệp nhận định, nếu chương trình thanh tra cá da trơn vẫn được tiến hành thì xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn của thị trường tiêu thụ cá tra truyền thống khiến doanh nghiệp phải mở rộng thị trường sang các nước có nền kinh tế mới nổi với sức tiêu thụ và khả năng nhập khẩu cao. Tuy nhiên, tiêu chuẩn môi trường cũng ngày càng được các thị trường chú ý nhiều hơn.
Ấn Độ hiện là một trong những thị trường mới đầy tiềm năng. Ba năm gần đây, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nước này tăng mạnh do cá tra được ưa chuộng tại các nhà hàng của nước này. Nguyên nhân là do cá tra có nguồn cung lớn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nhưng giá cả chỉ bằng một nửa so với nhiều loài cá tại Ấn Độ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp vượt qua gian khó, mở rộng thị trường để góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Thành Công (kinhtevietnam.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã