Thị trường nông thôn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác
Nhiều biến động
Thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) trên phạm vi toàn quốc qua theo dõi của Nielsen Việt Nam tại kênh thương mại truyền thống năm 2017 có sự tăng trưởng 5,4% so với mức tăng 4,9% vào năm 2016. Trong quý IV/2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG đã giảm đáng kể, chỉ còn 0,5% so với 6,4% trong quý III/2017.
Báo cáo phân tích thị trường của Nielsen Việt Nam cho thấy, nhìn chung việc tiêu thụ các nhóm ngành hàng lớn tại thị trường Việt Nam bao gồm nước uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân vào thời điểm cuối năm 2017 đã có sự sụt giảm, duy chỉ có ngành hàng đồ uống đạt mức tăng 3,2%.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao, bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, việc lưu thông sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng lớn thông qua các kênh thương mại truyền thống và cửa hàng bán lẻ ở cả nông thôn và thành thị cuối năm 2017 đều có sự sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân sụt giảm được chỉ ra là do hậu quả của các cơn bão lớn liên tiếp vào cuối năm gây ra nhiều thiệt hại cả về người và của, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến sự sụt giảm này đó chính là mùa Tết năm nay đến trễ hơn so với mọi năm.
Mặc dù vậy, nói về sự tăng trưởng của thị trường FMCG tại khu vực nông thôn và thành thị Việt Nam, báo cáo của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra rằng, sự tăng trưởng tại khu vực nông thôn vẫn tiếp diễn trong năm 2018 nhưng nhiều biến động hơn so với năm trước. Điều này được minh chứng ở con số: Tăng trưởng tại khu vực nông thôn trong năm 2017 đạt mức 6,1%, trong khi đó, khu vực thành thị chỉ tăng 4% so với năm 2016.
Mảnh đất màu mỡ
Giới chuyên gia nhìn nhận, khu vực nông thôn tiếp tục là nguồn tăng trưởng mới cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh ra các khu vực nông thôn luôn đi kèm với thách thức rất lớn đó là chi phí để đưa sản phẩm về đến những khu vực vùng sâu vùng xa.
Theo nhận định của Nielsen Việt Nam, một số khu vực nông thôn thể hiện nhiều triển vọng hơn các khu vực khác, do đó, việc xác định các khu vực tiềm năng là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) để tối đa hóa nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, để thành công ở khu vực nông thôn, các nhà sản xuất cần phải trang bị cho mình những hiểu biết về người tiêu dùng tại khu vực này.
Giới chuyên gia ngành bán lẻ cũng đưa ra nhận định, thị trường nông thôn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Đây là thị trường rộng lớn và khá dễ tính, các DN cần khai thác những khía cạnh này để đầu tư vào thị trường nông thôn. Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ, thực tế các DN vẫn chưa tạọ sức mua cho người tiêu dùng khu vực nông thôn. Do đó, cần phải thiết lập hệ thống phân phối, chân rết cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ ở quy mô hợp lý.
“Khi các DN vào cuộc và liên kết, chắc chắn họ sẽ chớp được các cơ hội tại mảnh đất giàu tiềm năng này. Làm được như vậy, chúng ta còn ngăn chặn được cả vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang xâm nhập khá mạnh vào thị trường nông thôn hiện nay” - ông Phú nhấn mạnh.
Theo Giám đốc cấp cao bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng ở nông thôn ngày nay đang đòi hỏi những trải nghiệm cao cấp hơn. Họ đã dần làm quen với cuộc sống mang hơi thở của thành thị nhờ vào sự phát triển và phổ biến của công nghệ và cơ sở hạ tầng. Chính bởi vậy, thời gian tới, khu vực nông thôn sẽ là mảnh đất màu mỡ của thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã