Người nuôi lỗ nặng
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế bán phá giá đối với cá tra Việt Nam, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng nhẹ. Thời điểm giữa tháng 4-2013, giá cá ổn định ở mức 21.000 - 21.500 đồng/kg, tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, tín hiệu vui này lại không kéo dài bởi những ngày gần đây giá cá lại quay đầu giảm mạnh.
Hiện, cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 1 kg/con được các doanh nghiệp thu mua với giá 19.000 - 19.500 đồng/kg (mua thiếu 1, 2 tháng). Còn với trường hợp doanh nghiệp mua bằng tiền mặt, giá chỉ còn 18.000 - 18.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây và với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.500 - 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tạch, hộ nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, An Giang, chua chát: “Giá cá hiện nay xuống quá thấp, đã thế việc nhận được tiền bán cá cũng rất khó khăn, do đó nhiều hộ nuôi hiện nay đã bỏ nghề. Nếu doanh nghiệp mua cá ký nợ 45 ngày qua ngân hàng bảo lãnh thì giá cá còn ở mức 19.000 - 19.500 đồng/kg, nhưng nếu bán tại ao, giao tiền ngay thì giá chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/kg. Tôi bán 117 tấn cá tra với giá 20.700 đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa nhận được đủ tiền”.
Loanh quanh chuyện xuất khẩu
Nhiều chuyên gia trong ngành lý giải, giá cá tra giảm là do doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguồn cá của công ty, nông dân mất khả năng đàm phám trong các vụ mua bán, buộc họ phải chấp nhận bán cá với giá rẻ. Tuy nhiên, người nuôi lại cho hay, trên thực tế, dù doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu thì vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo đó, vẫn cần phải mua cá của nông dân, nhưng không hiểu vì sao cá vẫn rớt giá?
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam tăng gấp 25 - 45 lần thì chỉ còn 9 doanh nghiệp Việt Nam có thuế suất thấp xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Lo sợ nguồn cung thiếu nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng giá thu mua lên 0,5 - 0,7 đô la/kg. Thấy giá cả hấp dẫn, cộng với việc các thị trường khác đang gặp khó, nên các doanh nghiệp đã ồ ạt xuất khẩu hàng sang Mỹ, theo đó sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 và 5 tăng vọt lên từ 50 - 70% so với cùng kỳ.
“Vì doanh nghiệp ham ký nhiều hợp đồng quá nên khi thấy khối lượng bắt đầu dư thừa thì các nhà nhập khẩu Mỹ đã hạ giá xuống và giảm lượng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến giá cá nguyên liệu trong nước”, ông Hòe giải thích thêm.
Lợi ích của nông dân
Ông Tạch ngậm ngùi: “Năm nào con cá tra cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả lên xuống thất thường. Tuy nhiên, năm nay có lẽ là năm vất vả nhất đối với những người nuôi như chúng tôi khi giá cá nguyên liệu hiện nay chỉ còn khoảng 18.000 - 18.500 đồng/kg, có khi còn rớt thê thảm xuống 17.700 đồng/kg. Biện pháp thì cũng đã bàn nhiều rồi, nhưng thực hiện được hay không mới là điều quan trọng”.
“Người nuôi như chúng tôi chỉ hy vọng giá cả đầu vào lẫn đầu ra ổn định; Nhà nước làm thế nào có những chính sách hỗ trợ để vốn vay đến được tận tay người nông dân chứ như hiện nay thì rất khó để tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài ra, hiện, doanh nghiệp khi thu mua cá của dân vẫn thực hiện ký hợp đồng, tuy nhiên lại rất ít khi thanh toán đúng thời hạn như đã cam kết. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp để tăng hiệu lực trong hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và người nuôi”, ông Tạch đề xuất.
Theo Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam, Trần Cao Mưu: “Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam, Nhà nước cần hoạch định chính sách quy hoạch phù hợp từ khâu nuôi trồng, đến thu mua, chế biến và xuất khẩu. Nghĩa là cần phải hoạch định cụ thể, sản xuất sản lượng bao nhiêu là vừa đủ, bao nhiêu nhà máy được phép chế biến, xuất khẩu và cần xác định rõ thị trường xuất khẩu. Khi nào vấn đề quy hoạch này chưa được giải quyết thì việc bấp bênh trong giá cả đầu vào lẫn đầu ra vẫn còn tiếp tục xảy ra”.
“Không nên hô hào vị trí nhất, nhì về xuất khẩu cá tra như hiện nay, mà vấn đề là phải làm thế nào để đạt được sự nhất quán, thống nhất và tạo ra lợi nhuận nhất cho người nuôi cá tra Việt Nam”, ông Mưu cho biết thêm
Số liệu từ VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam ước đạt 800 triệu đô la, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2012.
TBKTSG Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã