Nuôi lừng khừng
Tại quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), trong hai ngày 24 và 25/2, người nuôi đã bán cho doanh nghiệp chế biến tại khu công nghiệp Trà Nóc với giá 24.800 đồng/kg loại I (800 g/con). Ở huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), giá có thấp hơn, chỉ 23.500 đồng/kg. So với giá giảm sâu vào quý III/2016 là 17.000 - 18.000 đồng/kg, hiện đã tăng thêm trên 6.500 đồng/kg, còn so với giá thành nuôi 21.000 - 21.500 đồng/kg thì người nuôi đã lãi cao.
Nhưng người nuôi diện tích lớn đa số đã bán hết ở mức giá thấp trước đây, chỉ còn những hộ nhỏ lẻ sản lượng không đáng kể mới còn cá bán giá cao. Chị Nguyễn Thị Bích ở huyện Châu Phú cho biết, năm 2016 đã giảm diện tích nuôi 50%, từ 8 ha còn 4 ha. Trong dịp Tết thu hoạch 2 ao (2 ha), sản lượng 800 tấn, bán tại hầm với giá 21.500 đồng/kg, còn 2 ao phải tháng nữa mới có cá bán. “Hiện tại cá tra nguyên liệu có giá cao nhưng gia đình tôi chưa quyết định thả nuôi 2 ao thu hoạch sau dịp Tết Đinh Dậu, bởi nếu thả nuôi lúc này, chi phí giống sẽ cao gấp 1,5 lần. Trong khi, phải sau 8 tháng sau mới thu hoạch, nếu giá cá lao dốc thì lại lỗ nặng”, chị Bích nói.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết, nghề nuôi cá càng ngày càng bất ổn, vốn liếng “teo” dần từ nuôi 5 ao rộng 1,5 ha mấy năm trước, sang năm 2016 chỉ còn 2 ao. Trước Tết thu hoạch được 50 tấn xuất bán cho doanh nghiệp chế biến ở tỉnh Vĩnh Long với giá 22.000 đồng/kg, đến nay đã qua 45 ngày vẫn chưa nhận được tiền. Chán nản quá nên ông chưa muốn thả nuôi vụ mới.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT hồi giữa tháng 12/2016, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã nắm giữ 70% sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Như vậy, nông dân nuôi 30% còn lại, tuy nhiên, do thiếu vốn nên cứ teo tóp dần.
Cá giống thiếu
Bên cạnh giá cá thương phẩm thì cá tra giống cũng tăng giá lên 34.000 - 36.000 đồng/kg (30 con/kg), tăng 8.000 đồng/kg so cuối năm 2016. Tuy nhiên, cá giống đang thiếu và cơ sở sản xuất giống cũng chưa mặn mà đẩy mạnh sản xuất.
Ông Trần Văn Hoàng, chủ cơ sở cá giống Ba Hoàng ở thị xã Tân Châu (An Giang) có năng lực mỗi năm sản xuất khoảng 2 tỷ con giống, cho biết, do cá giống bán dưới giá thành thời gian dài nên phải sản xuất cầm chừng. Hiện, giá cá giống cho lãi cao nhưng để có cá giống bán phải chờ thêm khoảng 1 tháng nữa.
Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng Vật nuôi Thủy sản thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị có gần 900 con cá tra bố mẹ được cải thiện tốt về mặt di truyền. Từ nguồn cá bố mẹ này, nếu khai thác hết công suất, Trung tâm sẽ sản xuất được 1 tỷ cá bột, nhưng chỉ sản xuất 600 - 700 triệu bột/năm, trong đó ương nuôi sang cá giống 30%, còn lại cung cấp cho các cơ sở ương nuôi khác. Trung tâm có điều kiện sản xuất giống cá tra chất lượng nhưng không tận dụng hết năng lực để phục vụ nhu cầu của thị trường, ông Tính cho hay do rủi ro cao. Bởi cá giống là anh em “sinh đôi” với cá nguyên liệu, khi giá cá tra nguyên liệu lao dốc, cá giống dễ bị ế ẩm. Hiện tại, Trung tâm chuẩn bị ương nuôi 1,2 ha, với lượng bột 6 triệu con, phải hơn 2 tháng nữa mới có cá tra giống để xuất bán.
Khó về vốn
Năm 2016, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL là 3.071 ha (giảm 11% so cùng kỳ năm 2015), diện tích thu hoạch 3.439 ha (giảm 4,5%), sản lượng đạt 1.077.470 tấn (tăng 5%). Diện tích nuôi giảm nhưng sản lượng tăng do cá quá lứa tăng, tiêu thụ được ở thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, diện tích thả nuôi giảm trong năm 2016 lại nằm trong chu kỳ gối vụ cho đầu năm 2017, dẫn đến giảm nguồn cung và đẩy giá cá tăng. Còn khó khăn trong ngành cá tra thì hầu như còn nguyên vẹn.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) Nguyễn Chí Thảo cho biết, Caseamex có mục tiêu mở rộng thị trường châu Á, nhất là thị trường Trung Quốc, đồng thời phát triển thị trường nội địa. Cái khó hiện nay là nguồn vốn cho nuôi trồng và chế biến xuất khẩu đều thiếu.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) chia sẻ, mặc dù giá cá nguyên liệu trong tuần này đã ở ngưỡng 25.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn khó khăn như trước. Với giá này, về lý thuyết người nuôi có lãi cao nhưng sản lượng sẽ không tăng, nguyên nhân, do thua lỗ liên tục nên người nuôi không còn thiết tha với nghề. Trong khi để nuôi cá tra cần lượng vốn rất lớn, ước để nuôi 1 ha cần vốn 8 - 10 tỷ đồng trong 8 tháng, mà ngân hàng chỉ đáp ứng 10%
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã