Doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn
Chia sẻ về tiềm năng XK thịt lợn của nước ta, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam - nêu rõ, hiện nay, các thị trường xung quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn thịt lợn. Tuy vậy, thay vì chỉ tiêu thụ trong nước hoặc XK nguyên con theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc như hiện nay, doanh nghiệp (DN) cần tìm giải pháp để XK chính ngạch sang các thị trường này.
Mới đây nhất, Công ty TNHH VIETGO – một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến XK đã phát đi một thông báo với nội dung một DN Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu hàng nghìn tấn thịt lợn Việt Nam qua đường chính ngạch trong thời gian 1 năm. Chia sẻ rõ hơn về những đơn hàng lớn này, ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty TNHH VIETGO cho biết, đơn hàng thịt lợn này của một đối tác Hàn Quốc đã từng giao dịch với VIETGO nhiều lần, nhưng lần này họ không mua trực tiếp mà chỉ đóng vai trò là nhà buôn thương mại. Đơn hàng này rất gấp nên thời gian hoàn thành đơn phải xong trong khoảng 1 tuần – 1 tháng để mở L/C.
Cụ thể hơn, phía DN Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập đều đặn 500 tấn thịt ba chỉ/tháng, 1.350 tấn chân trước và 1.350 tấn chân sau/tháng trong thời gian 1 năm. Trong đó, thịt ba chỉ cần đạt trọng lượng từ 4,7 - 5,2 kg/miếng với độ dày tối thiểu 4cm, kích cỡ 25 x 46 cm. Sản phẩm được đóng gói theo quy chuẩn: 4 miếng thịt ba chỉ/thùng carton (có lớp ngăn cách). Sản phẩm yêu cầu có chứng chỉ SGS, hoặc chứng chỉ khác tương đương.
Đáng chú ý, ông Việt cho hay, nhằm chung tay với cả nước giải cứu thịt lợn, tất cả các chi phí xúc tiến thương mại cho các đơn hàng giải cứu thịt lợn trong thời gian này đều được Công ty TNHH VIETGO miễn phí hoàn toàn cho các đơn vị cung cấp. Ngoài đơn hàng kể trên, VIETGO cũng cam kết sẽ cố gắng mang về nhiều đơn hàng thịt lợn hơn cho bà con nông dân, với số lượng khoảng 5 – 7 đơn/tháng.
Muốn bền vững phải XK thịt lợn chính ngạch
Với kinh nghiệm của một đơn vị đã xúc tiến XK lâu năm, chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, ông Việt cho hay, trên thực tế, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng của nước ta. Bởi với hơn 1,3 tỉ dân, mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc rất lớn, vào khoảng 51 - 57 triệu tấn/năm. Với thói quen sử dụng thịt lợn là một trong những loại thực phẩm chính, hàng năm, Trung Quốc phải nhập khẩu hàng triệu tấn thịt từ các thị trường lân cận. Tiềm năng XK thịt lợn vào đây cũng khả quan bởi Trung Quốc không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn nhập khẩu. Việt Nam cũng có lợi thế hơn so với các quốc gia XK thịt khác như Brazil bởi có vị trí gần Trung Quốc nên chi phí vận chuyển thấp, giá cả cạnh tranh.
Tuy vậy, theo ông Việt, XK thịt lợn vào Trung Quốc hiện nay vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên sản lượng xuất đi rất thấp và phập phù, chỉ cung cấp cho một số khu vực sát biên giới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở những vùng sâu hơn vẫn đang rất lớn. Do đó, bắt buộc phải tìm được những đơn hàng XK chính ngạch để hạn chế rủi ro cũng như đưa được sản phẩm vào sâu hơn thị trường Trung Quốc.
Ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, ASEAN cũng có nhu cầu tiêu thụ thịt lợn khá cao và đây là những địa chỉ DN có thể tìm kiếm cơ hội để đa dạng hóa thị trường XK. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, DN cần xây dựng chuỗi kết nối với người dân để có được nguồn hàng ổn định, đạt chuẩn.
Hỗ trợ XK thịt lợn, trong tháng 5, đoàn công tác của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp làm việc với Trung Quốc về việc đẩy mạnh XK lợn chính ngạch sang thị trường này. Cũng trong tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đoàn xúc tiến tiêu thụ thực phẩm tại thị trường ASEAN, trong đó có thịt lợn. Ngoài việc xúc tiến tiêu thụ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nỗ lực để sớm ký kết các bản ghi nhớ về công nhận kiểm dịch động vật với các đối tác để có thể sớm XK thịt lợn chính ngạch.
Phương Lan
http://baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã