Chiếm lĩnh thị trường thế giới
Tại cuộc họp Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn của Bộ NNPTNT vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group đề xuất: “Bộ NNPTNT nên quy hoạch những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư cho một số doanh nghiệp dẫn đầu; tập trung vào giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp dẫn dắt. “Trong cơ cấu đầu tư vào nông nghiệp hiện nay nên có chiến lược phát triển cây củ quả Việt Nam, chẳng hạn như cây chanh leo. Chanh leo giờ đã được xuất khẩu sang Trung Quốc khá nhiều, sản phẩm chanh leo cô đặc của Việt Nam chiếm khoảng 80% sản lượng thế giới. Nếu có chiến lược rõ, mỗi năm có thể xuất khẩu được tới 1 tỷ USD” - ông Hùng nói.
Một vùng nguyên liệu chanh leo của Nafoods. Ảnh: Ngọc Thu
Ông Hùng cũng cho biết thêm, khi cung cấp nguồn nguyên liệu sạch là chanh leo, dứa cho nhà máy sản xuất tại Tây Ban Nha để đưa ra sản phẩm nước hoa quả cô đặc cung cấp cho 50 quốc gia trên thế giới, Nafoods thực sự tâm huyết để có một sản phẩm tốt và chất lượng từ dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại của châu Âu. Sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, sản phẩm Juice smile (với 5 vị trái cây: nho, cam, lựu, chanh leo – dứa, dứa) đã có mặt tại Việt Nam. Ngoài xuất khẩu, trong thời gian tới các sản phẩm nước uống từ hoa quả sẽ được Nafoods đẩy mạnh tiêu thụ ngay thị trường trong nước.
Ông Hùng đề xuất Bộ NNPTNT nên thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo từ 12.000-15.000ha để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đây là loại cây cho năng suất, hiệu quả cao, từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/ha.
Khẩn cấp tìm nguyên liệu
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, hiện nay Nafoods đang là đơn vị tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước. Khoảng 60-70% sản lượng chanh leo của toàn Việt Nam được Nafoods thu mua để sản xuất các loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho nội địa cũng như xuất khẩu. Trong đó dạng sản phẩm cô đặc chiếm thị phần lớn và được ưa chuộng trên khắp thế giới.
Với diện tích và sản lượng chanh leo hiện nay thì mới chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất chế biến của nhà máy tại Nghệ An. Sản lượng chanh leo cô đặc xuất khẩu hàng năm của Nafoods đạt từ 2.000- 3.000 tấn, chiếm khoảng 8 - 10% sản lượng trên thị trường thế giới. Hiện tại, công ty đang xây dựng nhà máy thứ hai tại ĐBSCL. Sau khi nhà máy hoàn thành, dự kiến phải có vùng nguyên liệu 12.000-15.000ha mới đủ đáp ứng nhu cầu. Công ty đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các vùng có thể phát triển trồng chanh leo nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Trao đổi với NTNN, ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đang tiến hành quy hoạch cho cây chanh leo, do loại cây này đang được giá, có thị trường và có “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu nên trước mắt dự kiến sẽ quy hoạch phát triển diện tích 10.000ha. Thời gian tới, nếu các địa phương muốn phát triển thêm cần gắn với các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp vì loại cây này đầu ra chủ yếu gắn với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã