Luôn coi trọng quảng bá hàng nông sản
Nhắc đến Đại sứ Lương Thanh Nghị, nhiều nông dân ở Thanh Hà, Lục Ngạn hiện gọi ông với cái tên rất gần gũi: “Đại sứ vải thiều”. Xin Đại sứ chia sẻ những kỷ niệm về quá trình quảng bá vải thiều Việt Nam trên Australia?
- Trước hết, xin trân trọng cảm ơn tình cảm và sự ưu ái của bà con dành cho cá nhân tôi. Thực tế, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế hay ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Ngoại giao và của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Các cơ quan đại diện ta luôn coi trọng việc quảng bá các sản phẩm của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông, thủy sản.
Chúng tôi cũng đề nghị và trao đổi với Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Australia các biện pháp quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ trái vải thiều, trước mắt tập trung tại hai khu vực đông người gốc Á sinh sống là Melbourne và Sydney.
Các cơ quan đại diện ta tại Australia cũng tích cực triển khai quảng bá trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Australia bằng nhiều hình thức, như thông qua bạn bè, người thân, qua mạng xã hội (facebook và các trang tin tổng hợp) sau khi những tấn vải đầu tiên tới Australia.
Thưa Đại sứ, sau khi những lô hàng vải thiều đầu tiên có mặt trên thị trường Australia, người tiêu dùng ở đây đón nhận như thế nào?
- Phải nói rằng người tiêu dùng Australia, nhất là cộng đồng người Việt Nam ta, rất hào hứng khi biết tin lần đầu tiên một trái cây Việt Nam có mặt tại thị trường khó tính này. Sau khi trái vải của ta được bán tại các siêu thị nhỏ và các gian hàng hoa quả tại Melbourne và Sydney, theo phản ánh của các doanh nghiệp thì vải của ta được tiêu thụ khá tốt, mặc dù giá hơi cao so với vải của Trung Quốc và Thái Lan. Chất lượng, màu sắc được người tiêu dùng đánh giá tốt hơn vải của nước khác do trái vải tươi, vỏ mỏng, cùi dầy, hạt nhỏ và ngọt thanh.
Được biết, sáng kiến “Ngày vải thiều Việt Nam” trên Australia đang mang lại những tín hiệu mừng. Xin Đại sứ cho biết cụ thể hơn về sự kiện này?
- Sau khi những lô vải đầu tiên mang tính chất thăm dò thị trường đến Australia về cơ bản có chất lượng tốt, cơ quan Thương vụ đã phối hợp với Hội Doanh nhân người Việt Nam tổ chức “Ngày vải thiều Việt Nam” tại Melbourne và Sydney nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu của trái vải Việt.
Chúng tôi rất vui mừng chứng kiến sự tham gia, ủng hộ hết sức nhiệt tình của bà con cô bác và anh chị em sinh viên Việt Nam tại bang Victoria và New South Wales. Nhiều bà con rất xúc động khi lần đầu tiên được nếm trái vải thiều của quê nhà sau nhiều năm sống xa quê hương, đất nước. Dù giá vải thiều tại đây lên tới 14,99 AUD (khoảng 250.000 đồng)/1 kg, song trong ngày diễn ra sự kiện này, khoảng 300kg vải thiều đã được tiêu thụ.
Vẫn còn nhiều việc để làm
Mặc dù đã đến được với thị trường Australia, nhưng để vải thiều Việt Nam cạnh tranh và chiếm ưu thế tại đây, chúng ta còn phải làm những gì, thưa Đại sứ?
- Chúng tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm để tạo thương hiệu và chỗ đứng lâu dài cho trái vải Việt Nam trên thị trường Australia. Trước hết, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà vườn với doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch vùng trồng, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, chiếu xạ, kiểm dịch và đặc biệt phải giải được bài toán về chi phí. Tiêu chuẩn nhập khẩu của Australia rất chặt chẽ. Ví dụ, cuống trái vải phải được cắt sát, không dính đất, lá hoặc có trái vải non lép dính ở cuống, đặc biệt không được có sâu ở đầu quả và không còn dư lượng thuốc trừ sâu. Điều lưu ý nữa là công việc bảo quản rất quan trọng, làm sao trái vải sang tới Australia vẫn giữ được hương vị, tươi và màu sắc tốt, không được bầm dập hoặc vỏ bị thâm…
Cần phải tính toán việc xây dựng các kho lạnh bảo quản, đóng gói và chiếu xạ sao cho hợp lý, tốt nhất là gần ngay vùng trồng. Hiện nay vải thiều của ta phải vận chuyển bằng đường hàng không vào khu vực TP.HCM để chiếu xạ, vừa mất thời gian, vừa tăng chi phí. Nếu có công nghệ bảo quản tốt với chi phí hợp lý, có thể vận chuyển bằng đường biển, như vậy sẽ tăng sức cạnh tranh về giá cho trái vải Việt Nam.
Thưa Đại sứ, sau vải thiều, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia có dự định sẽ quảng bá loại nông sản nào tiếp theo trên thị trường này?
Quan điểm Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết Ngay vải của Australia, mỗi năm cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 1.500-2.000 tấn mặc dù mùa vải của họ kéo dài từ giữa tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn lại dành cho xuất khẩu. Do vậy, ngoài việc đa dạng và mở rộng thị trường ngoài nước, chúng ta cũng cần có những giải pháp thiết thực để phát triển thị trường trong nước. |
Tôi cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng cho một số loại trái cây của Việt Nam tại các thị trường như Australia, New Zealand, Mỹ, Nhật… sẽ tạo “cú hích” cho việc mở rộng thị trường hơn nữa cho nông sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng. Hiện chúng tôi đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu, đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch truyền thông cho việc quảng bá trái xoài của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, người dân hai nước tiếp tục có cơ hội thưởng thức các loại trái cây của mỗi nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã