Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL vẫn tiếp tục tăng. Hiện, tôm sú loại 20 con/kg được thương lái thu mua với giá khoảng 300.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 220.000 đồng/kg; loại 40 con/kg là 180.000 đồng/kg; tôm TTCT loại 30 con/kg giá khoảng 200.000 đồng/kg; loại 40 con/kg là 185.000 đồng/kg và loại 100 con/kg là 120.000 đồng/kg.
Tôm được giá cùng điều kiện thời tiết khá thuận lợi đã khiến nhiều diện tích nuôi tôm “mở” trở lại. Từ tháng 6 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp tại huyện Phú Tân (Cà Mau) tăng nhanh, năng suất cũng tăng theo. Riêng người nuôi tại thị trấn Cái Đôi Vàm đang trúng mùa TTCT. Hiện, toàn huyện có hơn 1.200 ha tôm, gần 50% diện tích này đã cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha, riêng TTCT 8 tấn/ha.
Giá tôm tăng mạnh, người nuôi có lợi nhuận cao - Ảnh: Hoàng Vũ
Tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh… nhiều hộ cũng trúng giá tôm. Ông Lê Văn Đẩu, hộ nuôi tôm ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Nuôi tôm năm nay hốt bạc nhờ được mùa và giá tăng liên tục. Sau thắng lợi này, vụ tới ông sẽ đầu tư mở rộng diện tích từ 1 ha lên 2 ha thả nuôi TTCT.
Tại Tiền Giang, tính đến nay, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh là 3.258,9 ha (726,4 ha tôm sú; 2.586,5 ha TTCT) và 2.014 ha tôm sú quảng canh cải tiến. Diện tích đã thu hoạch là 1.125,3 ha (224,2 ha tôm sú; 895,9 ha TTCT), chiếm 34,5% diện tích thả nuôi với sản lượng 6.259,9 tấn và thu hoạch 629 tấn tôm sú nuôi quảng canh cải tiến.
Tại Bạc Liêu, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có hơn 85.000 ha tôm nuôi (trong đó khoảng 5.000 ha tôm công nghiệp), hiện tôm sú và TTCT đều trúng. Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn tăng cường kiểm soát chặt vùng nuôi trong phạm quy cho phép tăng diện tích, và lưu ý người dân cẩn trọng không chạy theo phong trào khi thấy tôm được giá. Tỉnh khuyến cáo nuôi thưa, đối với tôm sú chỉ nên nuôi 1 vụ/năm, TTCT khoảng 2 vụ/năm… Và tôm sú vẫn đóng vai trò chủ lực.
Xét về khía cạnh tiêu thụ thì việc tôm có giá là tín hiệu mừng, tạo động lực kích cầu thị trường và tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, giá tôm tăng trong thời gian vừa qua không xuất phát từ phía doanh nghiệp trong nước, mà vì thương lái Trung Quốc ráo riết tận thu. Điều này dễ khiến thị trường bất ổn do “khan” hàng và sốt giá ảo, đẩy các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm vào thế “mua thì lỗ, không mua thì bù lỗ”.
Nguy hại hơn, còn khiến người dân ồ ạt thả nuôi tôm trái vụ, bất chấp rủi ro và rất dễ phá vỡ quy trình nuôi an toàn, đặc biệt về dư lượng kháng sinh, hóa chất. Cùng đó, việc sử dụng thuốc và hóa chất để kiểm soát dịch bệnh và môi trường trong các trại giống không tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến chất lượng con giống, gây khó khăn trong quá trình nuôi tôm thương phẩm. Lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam.
Nhiều chuyên gia thủy sản khuyến cáo, không nên vì giá cao, lợi nhuận lớn mà tiếp tục thả nuôi tôm những tháng cuối năm, bởi thời gian này trời lạnh, độ mặn của nước giảm… là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển mạnh, tỷ lệ rủi ro cao.
>>Ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL cũng cảnh báo người dân không nên thả giống từ ngày 1/10 đến 31/12/2013 đối với tôm sú và từ ngày 15/11 đến 31/12/2013 đối với TTCT. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã