Đó là kiến nghị Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gởi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám và các cơ quan liên quan, kiến nghị các giải pháp để phát triển bền vững sản xuất xuất khẩu tôm Việt Nam.
VASEP mạnh dạn xin đề xuất Chính Phủ, Bộ NNPTNT có các chính sách hỗ trợ nhằm động viên các nhà cung cấp đầu vào có cơ chế mua bán cùng chính sách giá cả phù hợp cho người nuôi, giúp người nuôi vựơt qua các khó khăn hiện nay và ổn định giá thành nuôi tôm trong tương lai.
VASEP kiến nghị giảm giá con giống, thức ăn thủy sản... để hỗ trợ người nuôi tôm trong lúc khó khăn hiện nay. Ảnh: Thuận Hải.
Theo phân tích của VASEP, thời gian qua, tình hình nuôi tôm ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do giá giảm sâu, đặc biệt là trong tháng 5 vừa qua, giá tôm gần như giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây tâm lý hoang mang trong người nuôi, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu năm 2018.
Về nguyên nhân của việc giảm giá tôm, VASEP cho rằng, do các thị trường tiêu thụ lớn còn tồn hàng nhưng chưa tới mùa tiêu thụ chính nên sức mua xuất khẩu cũng giảm mạnh trong tháng 4 và 5.2018.
Trong khi đó, các nước có điều kiện nuôi sớm đang vào đợt thu hoạch và trúng mùa, có sản lượng khá. ĐBSCL đang vào vụ thả nuôi chính vụ và tôm nuôi thả mùa nghịch năm nay cũng trúng khá tốt. Sản lượng tôm nuôi năm nay tăng khá mạnh so năm 2017, ước tính trên 15% trong khi mức tăng trưởng tiêu thụ tôm hàng năm trên thế giới qua theo dõi và thống kê nhiều năm chỉ tăng trưởng quanh mức 5%.
Nhận định tình hình giá tôm trong thời gian tới, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho rằng, đầu quý 3.2018, các nước Ecuador và Indonesia qua cao điểm thu hoạch nhưng Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ đều vào giai đoạn thu hoạch cao điểm vụ nuôi chính. Thời điểm này cũng là lúc các nhà phân phối lớn khởi động kế hoạch mua hàng cho cả năm.
VASEP cho rằng, hiện nay đã có nhiều hộ nuôi tôm dù đã chuẩn bị ao nuôi nhưng không thả nuôi hoặc thả rất hạn chế. Ảnh: Thuận Hải.
Có thể, giá tôm sẽ chạm đáy vào giữa tháng 6.2018 khi lượng tôm nguyên liệu cung cấp ra thị trường giảm mạnh và sau đó, sẽ có xu hướng tăng giá trở lại. Ông Hòe khẳng định, chắc chắn giá tôm sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức phục hồi không thể ngang bằng giá năm 2017, thậm chí, có thể mức giá phải chịu áp lực giảm khoảng 10% so với năm 2017.
Trước tình hình này, VASEP kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển bền vững sản xuất xuất khẩu tôm Việt Nam như nêu trên. Vì hiện nay, người nuôi tôm ở ĐBSCL chuẩn bị ao nuôi khá nhiều nhưng đã hoãn việc thả giống do chưa thấy xu hướng quay đầu của giá tôm.
“Thu nhập từ nuôi tôm là nguồn sống của người nuôi, đã chuẩn bị ao nuôi mà bỏ không thì lãng phí nên người nuôi sẽ không treo ao mà sẽ thả mật độ thưa hơn, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro, kéo dài thời gian nuôi tôm, đợi giá tôm phục hồi”, ông Hòe nhận định.
Các doanh nghiệp cho rằng, từ sau tháng 6, giá tôm sẽ phục hồi, dù mức giá sau khi phục hồi vẫn có thể thấp hơn hồi 2017. Ảnh: Thuận Hải.
Để hỗ trợ ngành sản xuất và xuất khẩu tôm phát triển bền vững, VASEP kiến nghị, ngoài việc động viên các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ tốt, các đơn vị cung ứng tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cần xem xét giảm giá để chia sẻ khó khăn cho người nuôi.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT cần có những giải pháp hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp đầu vào giảm giá cho nông dân. Về lâu dài, để nâng tầm giá trị tôm Việt trên thương trường quốc tế, tôm Việt phải được nuôi sạch theo chuẩn quốc tế như ASC, BAP. Có như vậy, tôm Việt mới có cơ hội lên kệ trong các siêu thị lớn cao cấp, có giá tiêu thụ tốt và ổn định.
Tìm cách kéo khách Trung Quốc trở lại mua tôm Việt (!) Theo VASEP, qua tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức, hiện nay Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador mà theo họ là có cỡ tôm lớn và giá rất rẻ. Do đó, VASEP kiến nghị Chính Phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador qua Cảng Hải Phòng để vào Trung Quốc, nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động này, đồng thời, kéo các khách hàng Trung Quốc quay trở lại mua tôm Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã